Thông tư liên tịch số 06 về quản lý mũ bảo hiểm (MBH) đã có hiệu lực từ 15/5, nhưng cho đến nay thị trường MBH vẫn chưa ổn định. Có ý kiến cho rằng, việc không xử phạt người đội MBH dởm, sự không quyết liệt của chính quyền địa phương đã dẫn đến tình trạng này.


Do chưa quyết liệtT


heo thống kê của Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), hiện nay trên thị trường MBH đang tồn tại có 3 loại mũ: loại thứ nhất là MBH hợp quy đạt chất lượng, loại thứ 2 là MBH kém chất lượng (không phù hợp quy chuẩn) và loại thứ 3 là mũ hoàn toàn giả mạo. Mặc dù đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 06 quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương (cấp xã, phường) trong việc kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng MBH của các cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh đóng trên địa bàn. Lực lượng này có thẩm quyền xử lý các loại mũ có kiểu dáng giống MBH và MBH kém chất lượng, giả mạo nhưng cho đến nay vẫn còn tồn tại khá nhiều cửa hàng kinh doanh MBH không đảm bảo chất lượng và MBH giả mạo.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách vụ này cho biết, tình trạng MBH kém chất lượng và mũ giả mạo tái xuất trên thị trường là do việc thực hiện thông tư liên tịch số 06 chưa quyết liệt. “Thông tư đã quy định trách nhiệm cụ thể của chính quyền địa phương như cấp xã, phường nhưng cho đến nay vẫn chưa được triển khai quyết liệt. Vẫn còn hiện bày bán tràn lan MBH trên vỉa hè, đặc biệt là các tổ chức cá nhân này không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có hồ sơ chất lượng MBH..., đồng thời gần đây xuất hiện trở lại hiện tượng bày bán mũ 2 bộ phận, không đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn và thông tư 06”, ông Linh cho biết.



Theo khảo sát, trên các tuyến phố ở Hà Nội thuộc địa bàn phường Quan Hoa ( Cầu Giấy), phố Chùa Bộc, Tây Sơn, Hoàng Hoa Thám, Thanh Xuân, Phạm Hùng, Láng… MBH vẫn được bày bán trên vỉa hè, trên xe di động…mà không gặp bất cứ sự trở ngại nào. Người tiêu dùng vẫn mua và sử dụng các loại mũ giả mạo MBH ngày một nhiều hơn, bất chấp sự nỗ lực tuyên truyền, ngăn chặn hàng kém chất lượng của cơ quan chức năng trước đó.Ông Trần Hùng, Cục phó Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cũng cho biết, ngay sau khi có thông tin ngưng quy định xử phạt hành chính đối với người MBH dỏm đã khiến tình hình thị trường trở nên phức tạp hơn. Các cơ sở sản xuất, lắp ráp lại tiếp tục tung thị trường MBH kém chất lượng, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, đặc biệt MBH giả mạo lại được dịp tung hoành trên các vỉa hè, đường phố. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại chưa quyết tâm dẹp bỏ nên người bán vẫn cứ bán và người mua vẫn cứ mua.“Đáng lo ngại hơn là việc người tiêu dùng thêm một lần nữa quay lưng lại với MBH chính hãng. Vì mũ kém chất lượng bán ở vỉa hè tiện lợi, rẻ tiền đội lại không bị phạt nên người tiêu dùng cứ mua. Một thực tế là trước đây, người tiêu dùng chỉ mua MBH chất lượng tốt với mục đích đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông chứ không hải để bảo vệ tính mạng của họ”, ông Hùng nhấn mạnh.


Nên tiếp tục xử phạt

Phát biểu tại hội thảo “MBH an toàn cho người tiêu dùng” diễn ra mới đây, ông Khương Kim Tạo, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết cần làm rõ việc xử phạt hay không xử phạt người tiêu dùng đội MBH dởm. Theo ông Tạo, trong dự thảo nghị định 71 sửa đổi về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt, ủy ban này cũng đề xuất nên xử phạt người tiêu dùng sử dụng mũ không phải MBH dành cho người đi môtô, xe máy (mũ thời trang, mũ nhựa, mũ bảo hộ lao động), chủ yếu dùng để đối phó cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, theo ông Tạo việc xóa bỏ dự thảo về quy định xử phạt người đội nón bảo hiểm dỏm khi tham gia giao thông là sai lầm và đã khiến tình hình ngày càng bất ổn hơn.




Bởi việc xử phạt ở đây không phải là xử phạt người tiêu dùng mà là phạt hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Ông Tạo cũng đưa ra ý kiến rằng: “Phía cảnh sát giao thông nói chỉ có thể phạt được người không đội MBH khi tham gia giao thông, chứ họ không thể phạt những người đội mũ dỏm vì rất khó để phân biệt được mũ giả với mũ thật. Điều này là vô lý và chứng tỏ là chúng ta chấp nhận sự buông lỏng trong quản lý MBH”, ông Tạo nói.Theo ý kiến ông Tạo, trong thời gian tới, nên tiếp tục phạt hành chính đối với những người đội mũ không phải MBH, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết những MBH không đạt chất lượng và mũ không đạt chuẩn.Đồng tình với quan điểm phải có biện pháp mạnh để giảm thiểu sự tràn lan của các loại mũ giả mạo, MBH kém chất lượng ra thị trường, ông Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, quy định xử phạt người tham gia giao thông không đội MBH và cài quai không đúng quy cách đã rõ, nếu tham gia giao thông mà đội mũ không phải MBH thì cần phải xử phạt.


Nếu biện pháp xử phạt người đội MBH giả mạo được thực hiện sẽ chỉ giải quyết được phần ngọn. Phần giữa trên thị trường thì chính quyền địa phương, QLTT cũng cần phải rốt ráo hơn nữa trong việc thực hiện quy định trong thông thư 06, quyết liệt xử lý, dẹp bỏ MBH dởm tại các địa bàn quản lý.Để tăng cường công tác quản lý chất lượng MBH, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức chứng nhận phải tăng cường công tác giám sát sau chứng nhận (theo quy định tần suất giám sát là 6 tháng/1 lần) và phải thực hiện lấy phải lấy mẫu MBH trên thị trường để thử nghiệm nhằm đánh giá tính ổn định về chất lượng của MBH.


Nếu chất lượng không đạt, xem xét đình chỉ hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy đã cấp, nếu doanh nghiệp không khắc phục thì sẽ xem xét hủy bỏ hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy đã cấp.
Hiện văn bản quy phạm pháp luật đã đầy đủ, quy định xử phạt người tham gia giao thông không đội MBH, đội mũ giả mạo MBH cũng đã nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân. Vậy cớ sao cơ quan chức năng vẫn chưa thực hiện?



Xem thêm :

  • Sản xuất áo mưa kém chất lượng chạy theo đồng tiền




  • Phát hiện hóa chất độc hại trong cơ sở sản xuất balo tại Hà Nội