Sa sút trí tuệ là một hội chứng thể hiện sự suy giảm các mặt hoạt động tâm thần của con người. Khi mắc phải hội chứng này, người bệnh có biểu hiện sớm là đãng trí hay bị quên hoặc cảm giác bị ức chế, thay đổi về tính cách, rối loạn hành vi, có thể dẫn đến lú lẫn, bỏ nhà đi lang thang, vệ sinh cá nhân kém. Hội chứng này thường gặp ở người cao tuổi.

Để chẩn đoán, cần phải có các biểu hiện như: suy giảm trí nhớ gần, giảm khả năng tư duy, phán đoán. Biểu hiện cảm xúc thường nghèo nàn, bàng quan, thờ ơ, bệnh nhân thường giảm kiểm soát cảm xúc (dễ xúc động, dễ buồn, dễ khóc), thậm chí có kích động về hành vi và cảm xúc. Đặc biệt bệnh nhân thường có biểu hiện giảm khả năng thực hiện các công việc thường ngày như ăn mặc, giặt giũ, nấu ăn, quên tên các vật dụng quen thuộc hoặc không biết cách sử dụng các dụng cụ này, quên tên người thân, khó nhận biết được về thời gian (giờ, thứ, ngày, tháng...).

Sa sút trí tuệ có nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do chấn thương sọ não, tai biến mạch não, Alzheimer.

Chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ

Bệnh nhân sa sút trí tuệ có biểu hiện suy giảm các mặt hoạt động tâm thần, nhất là các hoạt động chăm sóc cá nhân, các hoạt động quan hệ xã hội... do vậy những người mắc chứng sa sút trí tuệ cần được chăm sóc tốt tại gia đình. Người thân của bệnh nhân cần chú ý những hoạt động sau:


- Đánh giá khả năng và trợ giúp người bị sa sút trí tuệ trong việc thực hiện các công việc thường ngày: bệnh nhân thường quên tên vật dụng, không nhớ được công dụng và giảm khả năng sử dụng các đồ dùng trong nhà, do vậy cần trợ giúp và hướng dẫn bệnh nhân mặc quần áo, chải răng, giúp bệnh nhân sử dụng các đồ dùng hằng ngày... Một số bệnh nhân còn không tự tắm giặt, vệ sinh được, do vậy cần nhắc nhở và trợ giúp họ trong việc này.

- Nên để bệnh nhân ở những nơi quen thuộc và an toàn: bệnh nhân sa sút trí tuệ thường mất định hướng không gian (không biết mình đang ở đâu), thời gian, do vậy rất dễ bị lạc khỏi nhà, khi xa nhà bệnh nhân không tìm được đường về... Bệnh nhân thường dễ bị các tai nạn trong sinh hoạt do khả năng sử dụng đồ đạc kém, do vậy cần để các vật dụng sao cho vừa thuận tiện nhưng tránh được các nguy cơ gây tổn thương cho bệnh nhân.

- Giảm stress cho bệnh nhân: tránh những tác động tâm lý không tốt với bệnh nhân như cách ly, coi thường, không quan tâm đến những đề xuất, những nhu cầu tình cảm của họ.

- Trợ giúp bệnh nhân khi có vấn đề liên quan đến pháp lý như: thừa kế, các chế độ chính sách, thực hiện quyền công dân...

- Nên đưa bệnh nhân vào các chương trình hoạt động tại cộng đồng như chăm sóc sức khỏe tâm thần ban ngày của các bệnh viện tâm thần, của các trại dưỡng lão, của các câu lạc bộ sức khỏe tại địa phương.

- Theo dõi những biểu hiện bất thường về tâm thần như kích động, những phản ứng quá mức về cảm xúc, hoang tưởng bị hại, ảo giác... khi đó cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế hoặc điều dưỡng gần nhất.

- Kịp thời phát hiện các dấu hiệu của bệnh bằng việc đưa bệnh nhân đến khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế... Tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

BS. Hoàng Nam - Sức khỏe & đời sống