Tạp chí Women’s Health đã có cuộc trao đổi với TS.BS Trần Viết Luân, Tổng thư ký Hội Tai Mũi Họng TP. HCM, giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, về những kiến thức cụ thể nhất về căn bệnh ung thư vòm họng.
1. Vị trí vòm họng là nguyên nhân khiến ung thư vòm họng khó phát hiện sớm
Vòm họng, hay nói chính xác hơn là vòm mũi họng (Nasopharynx) nằm ở phía sau mũi và trên khẩu cái mềm, không thể thấy được khi khám miệng hay mũi thông thường, chỉ có thể thấy qua nội soi đường mũi bằng ống nội soi cứng hay mềm. Do đó ung thư vòm họng thường khó được phát hiện sớm.
2. Chưa xác định được rõ nguyên nhân mà chỉ có yếu tố nguy cơ
Có ba yếu tố nguy cơ chính:
- Nhiễm Epstein Barr virus (EBV): Có sự liên quan chặt chẽ giữa virus EBV và ung thu vom hong. Tuy nhiên, không phải ai bị nhiễm EBV đều bị ung thư vòm họng (tỷ lệ nhiễm EBV cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ người bị ung thư vòm họng). Theo chiều ngược lại, những người bị ung thư vòm họng có tỉ lệ nhiễm EBV rất cao.
- Chế độ ăn: Ăn thường xuyên và lâu dài thức ăn được muối kỹ để dùng lâu ngày như cá, thịt muối cũng là một yếu tố nguy cơ. Có giả thuyết cho rằng chế độ ăn với các thức ăn được muối kỹ này sẽ là điều kiện để EBV thúc đẩy quá trình sinh ung thư.
Một số công trình nghiên cứu ở Trung Quốc cũng cho thấy rau, dưa muối cũng là yếu tố nguy cơ nhưng không rõ như cá muối. Tại Việt Nam, hiện chưa có công trình nghiên cứu sâu rộng về các yếu tố nguy cơ gây ung thư vòm họng. Do đó, bạn nên cẩn thận với những thức ăn được muối kỹ.
- Chủng tộc: Phổ biến ở người châu Á và Bắc Phi hơn là các chủng tộc khác. Thường gặp nhất là người miền Nam Trung Quốc (kể cả Hong Kong), có lẽ là do thói quen ăn uống những thức ăn được muối kể trên. Ung thư vòm họng cũng khá thường gặp ở các nước Đông Nam Á như Singapore, Việt Nam, Malaysia, và Philippines.
Ngoài ba yếu tố nguy cơ trên, còn những yếu tố nguy cơ khác như:
- Tiền căn gia đình có người bị ung thư vòm họng (có thể do chung môi trường sống hay chế độ ăn chứ không hẳn do di truyền). Trong gia đình có người bị ung thư vòm họng sẽ có nguy cơ cao hơn so với người không có tiền căn gia đình bị bệnh này.
- Hút thuốc lá cũng được xem là yếu tố nguy cơ nhưng không rõ như đối với một số bệnh khác như ung thư phổi. Uống rượu cũng được xem là một yếu tố nguy cơ, tuy nhiên cũng không có liên quan rõ.
- Một số yếu tố khác: Tiếp xúc với formaldehyde, bụi gỗ trong môi trường làm việc, theo một số nghiên cứu.
3. Con đường gây ung thư của virus EBV
DNA của EBV kết hợp với DNA tế bào niêm mạc vòm họng, làm thay đổi cấu trúc DNA của các tế bào này khiến chúng phát triển và phân chia bất thường trở thành tế bào ung thư.
Nhiễm EBV một mình nó không đủ để gây ung thư vòm họng, bằng chứng là tỉ lệ nhiễm EBV thì phổ biến trong khi tỉ lệ mắc ung thư vòm họng lại hiếm gặp. Các yếu tố khác được kể đến như: cấu trúc di truyền (gien) của người bệnh có ảnh hưởng đến phản ứng của cơ thể đối với EBV khiến cho EBV gây ung thư vòm họng; hoặc chế độ ăn với các thức ăn được muối kéo dài và thường xuyên (ví dụ như khoảng ba lần trong một tháng – theo một nghiên cứu) sẽ là điều kiện để EBV thúc đẩy quá trình sinh ung thư.
4. Đặc điểm của ung thư vòm họng
Giải phẫu bệnh học: Ung thư vòm họng chủ yếu là ung thư biểu mô (carcinoma), trong đó thường gặp nhất là loại không biệt hóa.
Bệnh này thường gặp ở nam giới, số lượng nhiều gấp đôi nữ, độ tuổi mắc bệnh thường gặp là 50-60 tuổi. Gần đây, theo một số nghiên cứu, tuổi mắc bệnh trẻ hơn vào khoảng 35-55 tuổi.
5. Những biểu hiện lâm sàng
Những triệu chứng sớm thường không điển hình và khó xác định vì khá giống với những những biểu hiện của các bệnh thông thường vùng tai mũi họng, dễ bị bỏ qua. Do đó, nếu bạn bị bất cứ vấn đề gì trong những triệu chứng dưới đây, dai dẳng hoặc uống thuốc một thời gian mà không thấy đỡ thì nên đi khám bác sĩ.
Những triệu chứng đó là nhức đầu, chảy máu mũi, nghẹt mũi, nổi hạch cổ, ù tai, nghe kém. Các triệu chứng này dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm mũi xoang, viêm tai giữa…
Các triệu chứng muộn và nặng hơn bao gồm: lé mắt, nhìn đôi, sụp mi, mờ mắt, khó nuốt, khàn tiếng… do khối u lan rộng làm tổn thương dây thần kinh sọ não.
Tip: Nên chú ý khi những triệu chứng trên chỉ xảy ra một bên, ví dụ như thường chảy máu mũi một bên, ù tai một bên…
Khi thấy xuất hiện những triệu chứng trên, bạn nên đi khám bác sĩ bệnh viện Ung bướu, Tai Mũi Họng, để được bác sĩ cho tiến hành nội soi trong vòm mũi họng. Nếu thấy có nghi ngờ, bác sĩ sẽ bấm sinh thiết (lấy một mẩu mô nhỏ) và làm xét nghiệm giải phẫu bệnh học để xác định, chẩn đoán, phân loại mô học và mức độ biệt hóa của khối u. Kế đến sẽ là chụp CT scan, MRI để xác định mức độ lan rộng của khối u… Làm các xét nghiệm sinh hóa, chẩn đoán hình ảnh khác để đánh giá khả năng di căn của khối u.
Sau tất cả những bước trên, bác sĩ sẽ phân loại khối u đang ở giai đoạn nào. Có bốn giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là giai đoạn sớm của ung thư, khả năng chữa lành cao; giai đoạn 3 và 4 là các giai đoạn muộn, tiên lượng kém.
6. Chữa trị ung thư vòm mũi họng bằng xạ trị là chủ yếu
Phương pháp điều trị chính của ung thư vòm mũi họng là xạ trị. Vì đa số ung thư vòm mũi họng là carcinoma không biệt hóa nên nhạy với tia xạ. Trường hợp bệnh ở giai đoạn muộn cần phối hợp với hóa trị. Ngoài ra, hóa trị còn dùng cho những trường hợp u khác không nhạy với tia xạ.
Phương pháp phẫu thuật ít có vai trò trong ung thư vòm mũi họng, chỉ được áp dụng cho một số trường hợp đặc biệt. Tiên lượng sống năm năm nói chung cho tất cả các giai đoạn khoảng 50-80% theo nhiều nghiên cứu
Thế nhưng, hai phương pháp này có thể gây ra những tác dụng phụ, bao gồm mệt mỏi, khô miệng, chán ăn, tổn thương da, rụng tóc. Bệnh nhân được hóa trị có thể giảm sức đề kháng, dễ bị nhiễm trùng, nên tránh đi đến những nơi đông người.
Do đó, người bị ung thư cần được nghỉ ngơi sau xạ, hóa trị để phục hồi sức khỏe. Tránh các công việc nặng hay tập thể dục quá mức.
Người bệnh cũng nên tuân thủ đầy đủ những yêu cầu của bác sĩ cũng như tái khám định kỳ trong một thời gian dài để giúp ích cho việc theo dõi và điều trị bệnh.
7. Phòng bệnh vẫn hơn!
Tránh ăn cá muối, thịt muối thường xuyên; ăn nhiều trái cây, rau tươi cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh theo nhiều nghiên cứu. Không hút thuốc, không uống rượu nhiều nhất là rượu mạnh.
Không may là bệnh ung thư vòm họng khó được phát hiện sớm do vị trí của nó khá sâu, các thăm khám thông thường khó có thể phát hiện bệnh, cũng như các triệu chứng sớm không rõ và đặc hiệu. Do đó, nếu thấy có biệu hiện bất thường kéo dài ở vùng tai mũi họng như: nghẹt mũi, chảy máu mũi, ù tai, cảm giác đầy trong tai, nhức đầu… nhất là có người trong gia đình bị ung thư vòm họng thì nên khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để được tầm soát ung thư vòm họng.