Cồng chiêng Tây Nguyên có hai loại là chiêng bằng và chiêng núm. Chiêng núm gọi là Chiêng, chiêng bằng gọi là Chinh. Tùy theo từng dân tộc mà số lượng mỗi loại chiêng, cồng tham gia vào dàn cồng chiêng có khác nhau. Các dân tộc Ba-na, Gia-rai, Xơ-đăng, Rơ-măm, Chu-ru thường sử dụng nhiều chiêng núm. Các dân tộc Ê-đê, Cơ-ho, Giẻ-triêng, Mnông Mạ thường sử dụng nhiều chiêng bằng. Việc sử dụng chiêng bằng hay chiêng núm và sự pha trộn giữa hai loại chiêng là sự lựa chọn mang tính đặc thù về thẩm âm của từng dân tộc.


Từ cách lựa chọn âm sắc chiêng (bằng hay núm) đã dẫn tới sự cấu tạo của mỗi dàn chiêng. Các dàn chiêng lớn nhất thường có cấu tạo từ 9 đến 12 chiêng như dàn chiêng của các dân tộc Ba-na, Gia-rai, Ê-đê. Các dàn chiêng nhỏ nhất thường có từ 2 đến 4 chiếc, như dàn chiêng Tha của người Brâu có hai chiếc chiêng bằng, dàn chiêng cúng lúa của người Tơ-đrá (một nhánh của dân tộc Xơ-đăng) có 4 chiếc chiêng núm. Còn trung bình mỗi dàn chiêng thường có từ 6 đến 8 chiếc chiêng. Tên của mỗi chiếc chiêng trong dàn chiêng thường đặt theo tên gọi các thành viên trong gia đình, như cha, mẹ, anh, chị em, em nhỏ. Tùy vào ngôn ngữ của từng dân tộc mà tên gọi thành phần trong gia đình có khác nhau nên tên gọi cồng chiêng cũng khác nhau. Ví dụ: người Mnông gọi tên các chiêng là May, Rnui, Nđớt, Loa, Thơ, Thết. Người Ê-đê gọi tên các chiêng là Ana, Hluê, Hliang, Mđu, Mđu Khơk, Moong, Moong Khơk…

Xem thêm các nhạc cụ truyền thống khác như đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu.

Theo bài viết: tatham.vn/cong-chieng-tay-nguyen-khong-ma-co-phan-2-a68.html
Bài viết khác cùng Box