GIỚI THIỆU

Nhờ sự cải thiện không ngừng của điều kiện sống, môi trường làm việc, dinh dưỡng, chủng ngừa, các thành tựu y tế xã hội, và đặc biệt là sự tiến bộ vượt bậc của y khoa thực hành, cuộc sống của con người ngày càng kéo dài hơn giới hạn mong đợi trước đây. Tuy nhiên, sống lâu không đồng nghĩa với sống khoẻ mạnh. Khi người ta càng già, các bệnh lý của tuổi tác càng gia tăng, đặc biệt là các bệnh mạch vành, suy tim, tai biến mạch máu nãosa sút trí tuệ.

Sa sút trí tuệ tăng dần theo tuổi. Vào khoảng 40 tuổi, tỉ lệ sa sút trí tuệ chỉ chiếm 0,1% dân số; đến trên 65 tuổi, tỉ lệ này là 5-8%; sau 75 tuổi nó tăng lên 15-20%; và trên 85 tuổi, tỉ lệ sa sút trí tuệ chiếm đến 25-50% dân số. Nhìn chung, sau 65 tuổi, tỉ lệ sa sút trí tuệ tăng gấp đôi mỗi 5 năm.

Năm 2005, khoảng 5 triệu người Việt nam trên 65 tuổi. Theo dự đoán của Ủy Ban Dân Số, số lượng người dân trên 65 tuổi của năm 2020 và 2050 lần lượt là 8 triệu và 22 triệu người. Tất nhiên, số người bệnh sa sút trí tuệ sẽ gia tăng theo số lượng người già nếu chúng ta không có những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.


Năm 2005


Năm 2050

SA SÚT TRÍ TUỆ LÀ GÌ?

Sa sút trí tuệ là một rối loạn của não bộ làm cho con người mất đi những chức năng trí nhớ và nhận thức bình thường trước đây của mình. Người bị sa sút trí tuệ gặp khó khăn trong ghi nhớ, học tập và giao thiệp. Sa sút trí tuệ cũng có thể làm người bệnh thay đổi khí sắc và cá tính. Sau một thời gian, bệnh sẽ làm cho họ không tự săn sóc được bản thân.

NGUYÊN NHÂN GÂY SA SÚT TRÍ TUỆ

Bệnh Alzheimer, còn được gọi là lú lẩn tuổi già, là nguyên nhân hàng đầu của sa sút trí tuệ. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến những phần não kiểm soát sự suy nghĩ, trí nhớ và ngôn ngữ. Giảm trí nhớ là biểu hiện đầu tiên của bệnh. Sự xuất hiện các mảng amyloid bất thường và các đám rối sợi thần kinh trong tế bào não được xem là nguyên nhân gây ra chết tế bào não và teo não nặng nề trong bệnh Alzheimer. Yếu tố nguy cơ của bệnh Alzheimer bao gồm: gia đình có cha mẹ bệnh Alzheimer, lớn tuổi, giới nữ, trình độ học vấn thấp, tăng cao Appolioprotein E-4 bất thường, chấn thương đầu, chế độ ăn uống không hợp lý, cao huyết áp và tiểu đường.



Não người bình thường: mô não đầy đủ



Não của người bệnh Alzheimer: mất mô não nhiều do tế bào não bị chết

Sa sút trí tuệ mạch máu xảy ra sau tổn thương não do bệnh lý mạch máu não gây ra. Sa sút trí tuệ thường xảy ra đột ngột và tiến triển từng bậc với các biểu hiện như giảm trí nhớ, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn tiêu tiểu và vụng về khi thực hiện các động tác…. Sa sút trí tuệ mạch máu thường xảy ra ở người bị tai biến mạch máu não, người bệnh tiểu đường và cao huyết áp không điều trị hoặc điều trị không hiệu quả.

Các bệnh lý thoái hóa não (như bệnh Parkinson), ngộ độc kim loại, bệnh nhiễm trùng (như giang mai, nhiễm HIV)… cũng gây ra sa sút trí tuệ ở giai đoạn gần cuối của bệnh.

Một số bệnh lý tổng quát như sốt cao, đau nửa đầu cơ thể bị mất nước, thiếu vitamin và suy dinh dưỡng, tác dụng phụ của thuốc, bệnh lý tuyến giáp, nghiện rượu hoặc chấn thương đầu nhẹ cũng có thể gây ra sa sút trí tuệ. Sa sút trí tuệ do nhóm này thường diễn tiến nhanh và mau trở về trạng thái bình thường khi loại bỏ được nguyên nhân gây bệnh. Người bệnh sa sút trí tuệ có các tình trạng này cần phải điều trị càng sớm càng tốt.

Một số người lớn tuổi có vấn đề về cảm xúc có thể bị nhìn nhận sai lầm là bị sa sút trí tuệ. Cảm giác buồn, cô đơn, lo lắng, hoặc chán nản thường gặp ở những người về hưu hoặc khi người bạn đời hoặc bạn thân bị mất. Trong quá trình thích nghi với các tình trạng này, một số người có cảm giác bị lú lẩn hoặc bị quên. Các vấn đề cảm xúc này có thể dễ dàng điều trị khi có sự nâng đỡ của bạn bè và gia đình, có sự tham vấn điều trị của bác sĩ chuyên khoa tâm lý.

CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA SA SÚT TRÍ TUỆ

Mất trí nhớ gần: Người bệnh thường quên và không nhớ lại được. Họ có thể hỏi bạn lập đi lập lại một câu hỏi, mỗi lần họ đều quên rằng bạn vừa mới trả lời rồi. Họ có thể quên ngay những điều vừa mới nghe hoặc những điều vừa mới dự định làm.

Khó khăn trong việc thực hiện các công việc quen thuộc: Người bệnh có thể không còn nhớ ăn uống thế nào cho đúng cách hoặc không thể tự ăn uống được. Nặng nề hơn, người bệnh không thể tự là vệ sinh cá nhân, cần phải có sự giúp đỡ của gia đình.

Có các vấn đề về ngôn ngữ: Người bệnh có thể quên những từ đơn giản hoặc dùng từ không đúng. Điều này làm cho người khác khó hiểu được ý họ muốn nói. Hoặc người bệnh bị rối loạn phát âm: nói lắp, nói khó…

Rối loạn định hướng: Người bệnh có thể bị lạc ở một nơi đã từng rất quen thuộc với họ, hoặc không nhớ được làm sao họ đến được nơi đó hoặc làm sao quay trở về nhà.

Giảm khả năng đánh giá: Người bệnh đôi khi chọn quần áo hoàn toàn không phù hợp với thời tiết hoặc với hoàn cảnh

Có các vấn đề về tư duy: Người bệnh có thể không nhận ra được các con số hoặc không thực hiện được các phép tính đơn giản. Khả năng điều hành và sắp xếp công việc cũng bị giảm sút.

Quên vị trí đồ vật: Người bệnh có thể để đồ vật vào chỗ hoàn toàn không thích hợp.

Thay đổi khí sắc: Người bệnh có thể thay đổi khí sắc một cách nhanh chóng, từ bình tĩnh sang khóc lóc âu sầu sang giận dữ trong vòng vài phút.

Thay đổi cá tính: Sa sút trí tuệ làm cá tính người bệnh thay đổi trầm trọng. Họ có thể trở nên dễ kích động, nghi ngờ hoặc sợ sệt.

Mất tính chủ động: Người bệnh có thể trở nên thụ động. Họ có thể mất đi sự say mê công việc, không quan tâm đến các thú vui của mình.

Các triệu chứng sớm của sa sút trí tuệ rất khó nhận biết, nhưng nếu bạn nghi ngờ mình hay người thân có những dấu hiệu của sa sút trí tuệ thì nên đến các phòng khám trí nhớ để các bác sĩ chuyên khoa tham vấn. Đừng nghĩ đó là các dấu hiệu bình thường rồi để bệnh tiến triển nặng thêm. Chẩn đoán sớm sa sút trí tuệ là một bước quan trọng để có các biện pháp phòng ngừa và điều trị hợp lý.

CÓ THỂ PHÒNG NGỪA ĐƯỢC SA SÚT TRÍ TUỆ KHÔNG?

Gìn giữ sức khỏe tốt là điều cần thiết để giúp bộ não chúng ta hoạt động lâu dài. Chẳng hạn, kiểm soát huyết áp kỹ lưỡng, kiểm soát đường và cholesterol trong máu, ăn uống lành mạnh, không hút thuốc lá, uống các thuốc đa sinh tố và chất chống oxy hóa, tập thể dục thường xuyên và giữ tinh thần ổn định thoải mái là những phương cách hay nhất để phòng ngừa bệnh lý sa sút trí tuệ.

CÓ THỂ ĐIỀU TRỊ ĐƯỢC SA SÚT TRÍ TUỆ KHÔNG?

Sa sút trí tuệ là biểu hiện của nhiều bệnh lý. Nếu nguyên nhân gây bệnh thuộc nhóm có thể điều trị được như thiếu vitamin, suy dinh dưỡng, bệnh tuyến giáp… thì việc điều trị hết nguyên nhân gây bệnh sẽ nhanh chóng đưa bệnh nhân trở về trạng thái bình thường.

Cho đến nay, chưa có phương pháp chữa lành bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ, tai biến mạch máu não. Tuy nhiên, phát hiện bệnh sớm và điều trị sớm bằng các thuốc ức chế men Acetylcholinesterase như donepezil (Aricept), rivastigmin (Exelon), galantamin (Reminyl)…, các thuốc có chất chống oxy hóa như vitamin E, ginko biloba… có thể làm chậm diễn tiến của bệnh. Bên cạnh đó, thành công trong việc điều trị mất ngủ và điều chỉnh các rối loạn hành vi sẽ giúp giảm bớt gánh nặng về mặt thể chất và tinh thần của người chăm sóc bệnh nhân.



(*) TS BS Trần Công Thắng: giảng viên bộ môn thần kinh ĐHYD TP HCM, BS điều trị BV Chợ Rẫy, BV Đại Học Y Dược TPHCM