Khổ sở vì gương mặt lỗ chỗ sẹo lõm, hậu quả của việc chăm sóc da không sạch và nặn mụn không đúng cách, tôi đến một thẩm mỹ viện trên đường Sương Nguyệt Anh vì nghe quảng cáo ở đó có cách trị sẹo lõm hiện đại bằng sóng RF (Radio Frequency) được ứng dụng trong máy E-Matrix. Cô nhân viên cho biết, sóng RF có thể đi sâu dưới da đến 6mm, làm đầy các sẹo lõm do nặn mụn, di chứng của bệnh thủy đậu chỉ sau 3 - 5 lần.

>> https://sites.google.com/site/nangmuiantoan/home

Cô giải thích rõ hơn: “Sóng RF kích hoạt sự tái tạo của chuỗi đàn hồi collagen và elastin dưới da, khiến chúng tự sắp xếp trùng khít, nhờ đó, các vết nhăn hay sẹo lõm sẽ dần dần được làm đầy, phẳng. Cùng với sự phát triển của các mô tăng sinh bên dưới lớp biểu bì, làn da dần trở lại mịn màng, săn chắc”. Tôi hỏi: “So với máy siêu mài mòn tái tạo da, chữa sẹo thì kỹ thuật nào tốt hơn?”. Cô nhân viên nói ngay: “Máy siêu mài mòn không tái tạo gì hết mà chỉ làm mòn da thêm thôi. Chỉ có phương pháp dùng sóng RF mới kích thích tái tạo collagen”.


Để tìm hiểu thêm, tôi tìm đến Trung tâm Thẩm mỹ Belas Spa, cô Vân Anh - chuyên viên thẩm mỹ tư vấn: “Kỹ thuật trị sẹo lõm do mụn, thủy đậu... mới nhất và hiệu quả nhất hiện nay là áp dụng ánh sáng Blue Light với bước sóng 590mm tác động sâu vào da để tái tổ chức cơ cấu tế bào vùng sẹo. Khi đó các sợi collagen và elastin được sắp xếp theo đúng chuẩn của chúng, giúp da căng mịn, săn chắc, độ đàn hồi của da được cải thiện rõ rệt. Phương pháp này phải phối hợp điều trị với máy siêu mài mòn kim cương thế hệ mới thì mới cho kết quả mỹ mãn”. Cô đảm bảo, kết quả sẽ đạt 80%.

Quyết định thử phương pháp dùng máy siêu mài mòn, tôi đóng một khoản tiền không nhỏ, 2 triệu đồng/lần (một tuần điều trị 2 lần, kéo dài khoảng 5 - 8 tuần). Sau khi điều trị bằng ánh sáng Blue Light, cô nhân viên dùng chổi quết lên mặt tôi một lớp tinh dầu, sau đó dùng máy rơ đi rơ lại sát vào da mặt, có hàng trăm hạt cát bắn trên hai má. Sau 30 phút, rửa mặt lại, cảm thấy da mặt nóng rát, hơi đỏ, tôi được chiếu đèn Led để làm bớt chất dầu và dịu da. Trước khi ra về, chuyên viên đưa ra một lô mỹ phẩm dưỡng da, rửa mặt, kem ban ngày và ban đêm..., nói phải dùng kết hợp trong quá trình điều trị nếu muốn đạt hiệu quả tối đa. Đã trót phóng lao nên phải theo lao, tôi bấm bụng chi ra thêm 6 triệu đồng nữa cho lô mỹ phẩm này.
Song, khổ nhất là sau mỗi lần điều trị, mặt tôi ê ẩm như bị ai đánh. Suốt ngày ở trong phòng máy lạnh, đắp nước đá liên tục, kiêng đi nắng, tránh hơi nóng từ bếp lửa, mỗi lần nấu bếp, tôi phải bịt ba cái khẩu trang. Rồi lớp da ngoài bong tróc, tôi thấy làn da mới mơn mởn, trắng mỏng. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau, da trở lại bình thường. Điều đáng nói là sau 5 tuần điều trị, trên mặt tôi sẹo... vẫn hoàn sẹo. Đến 1% sẹo cũng không thấy bớt chứ đừng nói là 80% như cô chuyên viên đã khẳng định.
Qua tìm hiểu, các bác sĩ chuyên khoa da liễu cho biết: “Điều trị bằng tia laser, da sẽ bị nám hoặc mất sắc tố, nên trắng hơn bình thường. Còn phương pháp siêu mài mòn chỉ làm da mặt mỏng đi, làm phẳng bề mặt sẹo. Phương pháp này không mang lại kết quả như ý, bởi khi “mài da” ở bên trên, làn da sẽ nhanh chóng tự tái tạo và mọi chuyện trở lại như cũ. Đó là chưa kể, nếu đầu máy mài mòn không làm bằng kim cương, làn da của bạn sẽ nhanh chóng bị sưng đỏ, nóng ran. Nếu lạm dụng, đưa đầu mài vào sâu dưới da, da sẽ bị tổn thương, để lại sẹo và những hệ lụy không thể lường trước được.
Theo bác sĩ Trần Ngọc Ánh, Bệnh viện Da liễu TP.HCM: “Muốn chữa được sẹo lõm phải thực hiện thủ thuật nhằm nâng mô xơ dưới da mặt lên để lấp đầy chỗ sẹo lõm; hay nạo chỗ sẹo đi, tạo vết thương mới, sau đó đắp gel hoặc cấy ghép da để nâng sẹo. Khi các vết sẹo đã đầy và lành, bác sĩ sẽ tiếp tục cà sẹo cho phẳng”.
Vậy là sau 5 tuần điều trị “siêu mài mòn”, kết quả mà tôi đạt được là “tiền mất tật mang”.


THẢO MINH