( Tin tức phụ nữ) - Nụ cười đẹp, có sức hấp dẫn người đối diện luôn là mong muốn của mọi bạn gái.Để có một nụ cười tươi xinh, ngoài tâm trạng tốt thì hàm răng trắng tinh, đôi môi hồng hào và hơi thở thơm tho đóng vai trò rất quan trọng. Đừng quên chăm sóc những bộ phận tuy nhỏ nhưng lại góp phần làm nổi bật vẻ ngoài của mình khi xuân về nhé!

Lưỡi

Một trong những cách tốt nhất để có được hơi thở thơm tho là làm sạch lưỡi. Bởi lớp chất nhầy trên bề mặt lưỡi chính là nơi vi khuẩn gây hôi miệng trú ngụ. Vì vậy, hãy năng làm đẹp cho lưỡi với công thức sau:

- Mua dụng cụ cạo lưỡi và đừng quên sử dụng nó sau khi đánh răng xong. Dù vậy, hãy nhớ cạo lưỡi thật nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương cho lưỡi.
- Dùng nước súc miệng: Súc lại miệng sau khi cạo lưỡi/xỉa răng để loại bỏ chất bẩn trong miệng hoàn toàn.
- Ăn một miếng táo/thơm để những a-xít có lợi có trong chúng giúp làm sạch lưỡi một cách tự nhiên.
- Bỏ thuốc lá: Thuốc lá chính là một trong những nguyên nhân chính khiến miệng bạn “bốc mùi”.

Nhìn lưỡi chẩn bệnh

Ở người bình thường, lưỡi mềm mại, hơi hồng, có thể trắng nhưng ít rêu, không quá khô. Nếu lưỡi bạn có những thay đổi về màu sắc và rêu lưỡi, rất có thể bạn đã mắc bệnh:

- Lưỡi có màu trắng: Thường gặp ở người thiếu máu, suy dinh dưỡng, tuyến nội tiết hoạt động không tốt.
- Lưỡi tím ngắt: Thường thấy ở người bị bệnh phổi, phụ khoa, đường ruột và dạ dày.
- Rêu lưỡi trắng, dày và trơn ướt: Thường gặp ở những người bị viêm phế quản, hen.
- Rêu vàng, dày: Dấu hiệu của bệnh viêm/loét dạ dày.
- Rêu lưỡi màu xám tro: Cơ thể suy yếu, tiêu hóa kém.
- Rêu lưỡi có màu nâu đen: Biểu hiện của một số bệnh mãn tính như: suy thận, đau nhức gối, váng đầu, ù tai.


Hơi thở

Hơi thở có mùi khó chịu khiến bạn cảm thấy tự ti mỗi khi tiếp xúc với mọi người, đặc biệt là ở cự ly… cực gần. Bí quyết chăm sóc hơi thở dành cho bạn là:

- Chải răng cẩn thận: Hãy chải răng ít nhất 2-3 phút một lần và 2 lần/ngày. Bên cạnh đó, phải thường xuyên kiểm tra răng miệng để phát hiện vấn đề về nướu và lấy cao răng định kỳ nhằm loại bỏ hết mảng bám tích tụ lâu ngày.

- Không dùng thực phẩm nặng mùi như hành, tỏi, cà phê… vì chúng có thể làm hơi thở “nặng mùi”. Bạn cũng không nên nhịn ăn sáng do bệnh hôi miệng cũng thường gắn liền với chiếc bụng rỗng.

- Uống nhiều nước: Hơi thở có mùi hôi đôi khi do miệng bị khô, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Việc uống nhiều nước không chỉ làm sạch các cặn bã, thức ăn thừa trong miệng, mà còn giúp kích thích các tuyến nước bọt hoạt động. Nên nhớ, nước bọt đóng vai trò tối quan trọng trong việc giữ cho miệng được sạch sẽ và làm phân hủy các hợp chất gây ra tình trạng hôi miệng.

- Uống nước chanh tươi hoặc trà xanh vì chúng có tác dụng khử mùi. Ngoài ra, bạn cũng có thể súc miệng với nước lá bạc hà hoặc quế ngâm để giữ hơi thở thơm tho. Ăn sữa chua để kích hoạt tuyến nước bọt và làm giảm lượng sulfur hydro (nguyên nhân chính gây mùi cho hơi thở) cũng là ý kiến hay.

- Nhai kẹo cao su không đường cũng có tác dụng ngăn ngừa vì khuẩn gây hôi miệng trong một thời gian ngắn.

Khi nào nên thay bàn chải đánh răng?

Khi dùng được một thời gian, bàn chải không chỉ giảm tác dụng làm sạch mà còn trở thành nguyên nhân gây viêm nhiễm cho răng miệng. Tốt nhất, bạn nên thay bàn chải đánh răng sau 2-3 tháng sử dụng, trước khi lông bàn chải bị sờn hay tòe ra hai bên.

Răng

Một hàm răng trắng sáng sẽ đem lại cho bạn sự tự tin khi nở nụ cười. Bạn rất dễ có được hàm răng chắc, khỏe, đẹp nếu biết cách chăm sóc phù hợp. Dưới đây là một số lưu ý nhỏ bạn đừng quên mỗi khi vệ sinh răng:

- Chọn bàn chải phù hợp: Theo khuyến cáo của các bác sĩ nha khoa, bạn chỉ nên chọn những chiếc bàn chải có kiểu dáng đơn giản, thon nhỏ với đầu đánh dài khoảng 2,5cm, có hình tròn, lông bàn chải mềm. Một chiếc bàn chải có lông qúa cứng sẽ làm hại lớp men răng và gây tổn thương nướu răng, còn bàn chải có đầu quá thô, lớn thì không thể tiếp cận và làm sạch một số răng nằm sâu bên trong.xem thêm cách làm trắng răng tại đây

- Dùng chỉ nha khoa: Bàn chải đánh răng không thể làm sạch kẽ răng và chỉ nha khoa sẽ phát huy ở khu vực khó tiếp cận này. Tuy nhiên, bạn nên hỏi nha sĩ cách dùng đúng để không làm tổn thương nướu.

- Lưu ý kem đánh răng: Khi mua kem đánh răng, bạn nên xem kỹ thành phần của nó, đặc biệt là hạn sử dụng và hàm lương flour có trong kem. Flour là chất khoáng giúp men răng bền chắc, phòng ngừa sâu răng và làm răng trắng bóng những cũng phải có hàm lượng phù hợp. Với người lớn, hàm lượng flour trong mỗi tuýp kem đánh răng thích hợp là từ 1.000-1.500 ppm, còn đối với trẻ em là từ 200-450 ppm.

- Sử dụng nước súc miệng: Nước súc miệng sẽ giúp loại bỏ vi trùng ẩn trong răng và cổ họng. Tuy nhiên, khi đã dùng nó, bạn chỉ nên súc miệng lại bằng nước sạch sau đó khoảng 30 phút để nước súc miệng phát huy tác dụng. Bạn cũng đừng nên dùng nước súc miệng thay cho việc đánh răng. Bởi vì sản phẩm này chỉ chứa các hoạt chất sát khuẩn nhẹ, do đó nó chỉ có thể hỗ trợ làm sạch miệng chứ không thay thế kem đánh răng được.

- Không sử dụng quá nhiều thức uống có gas: Thức uống có gas thường có một hàm lượng lớn a-xít gây bào mòn men răng, khiến men răng bị hủy hoại nghiêm trọng nếu dùng quá nhiều và liên tục. Còn rượu, cà phê, nước trái cây lại thường làm đổi màu men răng. Vì vậy, khi sử dụng những thức uống này, bạn nên sử dụng ống hút để hạn chế sự tiếp xúc của răng đối với đồ uống, giúp răng không bị ố vàng. Một lưu ý nữa là, không nên đánh răng ngay sau khi dùng những đồ uống chứa nhiều a-xít như nước cam hay soda, vì khi đó, men răng sẽ mềm hơn do tác dụng của a-xít hữu cơ trái cây và bàn chải sẽ bào mòn men răng. Bạn nên đợi khoảng 30 phút sau đó để men răng ổn định trở lại rồi mới tiến hành chải răng.

Xem thêm bài viết : Hướng dẫn cách làm (tẩy) trắng răng tại nhà chưa đầy 3 phút

Thực phẩm tốt cho răng :

Bạn nên dự trữ trong nhà những thực phẩm như pho-mát, sữa hay sản phẩm từ sữa bởi chúng có các chất ngăn chặn vi khuẩn gây sâu răng. Ngoài ra, những thực phẩm này cũng giàu can-xi và phốt-phát giúp răng miệng khỏe mạnh.

Môi

Một làn môi thâm và nứt nẻ thật không đẹp chút nào cho dù bạn cố cười thật tươi đi nữa. Phải nhanh chóng lấy lại sắc hồng cho đôi môi thôi!

- Tẩy tế bào chết: Hãy dùng bông tẩy trang/khăn mềm thấm nước, chà nhẹ nhàng lên môi để lấy đi lớp tế bào chết. Sau đó, bạn thoa một lớp son dưỡng lên môi. Trong trường hợp môi bạn bị khô và nứt nẻ, sau khi tẩy tế bào chết, bạn nên thoa Vaseline lên bàn chải đánh răng rồi chải nhẹ lên môi để giúp dưỡng ẩm.

- Massage môi: Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, bạn nên massage cho môi với son dưỡng hoặc có thể tự chế hỗn hợp dưỡng môi tự nhiên bằng những sản phẩm đơn giản như sau: Trộn 1 muỗng cà phê dầu ô-liu với 1 muỗng cà phê nước cốt chanh tươi. Dùng tăm bông thoa hỗn hợp này lên mỗi. A-xít citric trong chanh sẽ giúp làm sáng hồng đôi môi, còn dầu ô-liu giúp môi mềm mại. Ngoài ra, bạn có thể massage môi với tinh dầu hạnh nhân, bởi nó có tác dụng làm môi sáng và hồng hào một cách tự nhiên.

- Dùng son dưỡng: Một trong những giải pháp chăm sóc môi mà nhiều bạn gái ưa chuộng hiện nay là dùng son dưỡng. Tuy nhiên, nếu bạn cần trang điểm thì phải chọn son dưỡng một cách cẩn thận. Vì son dưỡng chỉ có thể giữ ẩm và cung cấp một số dưỡng chất cho môi, không có tác dụng ngăn chặn hoàn toàn sự thẩm thấu của chì từ lớp son trang điểm đậm màu bên trên xuống môi.

Uống nhiều nước: Uống đủ nước để cung cấp độ ẩm cần thiết giúp tránh khô môi và giảm độ thâm.

- Ăn nhiều trái cây, rau xanh: Các loại vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết trong thực phẩm sẽ giúp bạn khôi phục lại sắc hồng cho đôi môi.

- Chọn loại son chống nắng: Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại son môi có độ SPF15 hoặc cao hơn, bạn nên chọn những loại sản phẩm này để giúp bảo vệ đôi môi khỏi tác hại của tia cực tím.

- Đặc biệt, trước khi sử dụng bất kỳ loại son môi nào, bạn nên thoa thử chúng lên mu bàn tay xem có tác dụng phụ nào không, nếu có hãy loại nó khỏi danh sách làm đẹp. Ngoài ra, cần phải chú ý đến hạn sử dụng của mỹ phẩm và tẩy trang cho môi trước khi đi ngủ. Bạn nên chọn son môi có thành phần tự nhiên, chiết xuất từ các loại thảo dược.

Chăm sóc đúng

- Khi môi bị bong tróc: Nên dùng khăn bằng vải mùng mỏng mềm, hoặc bông tẩy trang, thấm nước ấm rồi đặt lên môi khoảng 5 phút cho lớp da khô mềm ra, sau đó lau thật nhẹ để làm sạch lớp da khô của môi.

- Không nên: Liếm môi, dùng tay bóc những lớp da đang bị bong tróc hoặc dùng khăn giấy khô lau quá mạnh vào chúng cũng là nguyên nhân khiến môi bị khô đấy.