Hiện nay tình trạng hăm tã rất phổ biến ở trẻ nhỏ, nếu mẹ không biết trị hăm đúng cách thì tình trạng hăm trở nặng và có thể dẫn đến những biến chứng ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục và cuộc sống của trẻ về sau.

Nguyên nhân gây nên hăm tã:

- Vi khuẩn xâm nhập do môi trường ẩm ướt.

Nhiều bậc cha mẹ tin vào quảng cáo các tã lót trên thị trường có khả năng thấm hút tuyệt đối vì thế cứ vô tư cho con mặc 24/24h. Trên thực tế, dù có khả năng hút ẩm nhưng những chiếc tã này vẫn là một trường ẩm ướt đủ điều kiện cho vi khuẩn trong phân và nước tiểu sinh sôi, làm tổn thương đến vùng da quanh bẹn, nhất là những vùng có nếp gấp.



- Dị ứng với hóa chất.

Các loại tã có mùi thơm hoặc kèm theo hóa chất có thể gây dị ứng làn da vốn rất nhạy cảm của trẻ trong lúc cọ xát cho những hoạt động thường nhật. Bởi vậy, các chuyên gia vẫn khuyên bạn tốt nhất nên dùng loại tã vải nếu có nhiều thời gian chăm sóc con.

- Lạm dụng phấn rôm.

Phấn rôm được nhiều ông bố bà mẹ tin dùng cho bé bởi cảm giác khô ráo, thơm tho sau mỗi lần thoa đều lớp phấn trắng lên mình bé, khiến nhiều người tin rằng đó là cách phòng bệnh cho trẻ. Thế nhưng, trên thực tế, chính lớp phấn rôm lại là thủ phạm làm bít lỗ chân lông, khiến da khó "thở", khó thoát ẩm và gây nên tình trạng hăm.

- Tác dụng của thuốc kháng sinh.

Kháng sinh có thể khiến các vi khuẩn có lợi suy yếu song song với việc tiêu diệt vi khuẩn có hại. Điều này có thể làm cho sức đề kháng của trẻ mất đi, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Đó là chưa kể, một số trẻ khi chịu ảnh hưởng của thuốc kháng sinh có hiện tượng tiêu chảy, một yếu tố tăng nặng của chứng hăm tã.

Biểu hiện:

Hăm tã biểu hiện bằng những dát đỏ tươi, hơi bóng và có dịch tiết ở vùng đóng tã nhất là những nếp gấp ở mông, bẹn, đùi, bụng… Nặng hơn, có thể thấy vùng da tấy đỏ, lở loét, xuất hiện vảy nến, hoặc u hạt và nếu sờ lên sẽ thấy trợt, bong dịch… Tình trạng này nếu nặng hơn có thể gây tổn thương bộ phận sinh dục, làm viêm hạch bẹn hoặc viêm nhiễm hệ tiết niệu cấp tính.

Cách trị hăm tại nhà:

- Giữ da trẻ luôn khô thoáng bằng cách thường xuyên thay tã. Tã thay phải có khả năng hút ẩm tốt và có bề mặt mềm mại. Không nên dùng tã có mùi thơm vì dễ gây kích ứng da.

- Sau mỗi lần bé tiểu tiện, mẹ hãy vệ sinh sạch sẽ để tránh cho da tiếp xúc lâu với các enzyme trong phân và nước tiểu gây kích ứng. Tốt nhất, trong thời gian bé bị hăm, mẹ nên cho bé "nuy" hoặc mặc quần áo cotton 100% để tạo môi trường khô thoáng.



- Dùng các loại kem trị hăm tã hoặc thuốc mỡ được khuyên dùng bởi các bác sĩ để có kết quả nhanh hơn. Nên nhớ, trước khi thoa kem phải giữ bề mặt vùng da bị hăm được khô ráo. Thoa đều và lan rộng ngoài vùng da bị tổn thương. Sau khi thoa xong phải để thuốc có thời gian thấm vào da khoảng 10 – 15 phút trước khi mặc tã hoặc quần.

- Khi bé bị hăm không nên sử dụng phấn rôm, nếu bố mẹ sử dụng thì chỉ nên thoa một lớp mỏng và phải tránh bộ phận sinh dục của trẻ, nhất là bé gái vì hoạt thạch có trong phấn rôm không tốt cho bé.

- Nếu bé đang trong giai đoạn bú mẹ, nên tăng cường cho bú vì sữa mẹ sẽ giúp bé giúp bé tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các vi khuẩn gây bệnh. Như thế, trẻ sẽ không phải dùng đến kháng sinh khiến tình trạng hăm tã xuất hiện.

- Lau khô người bé sau mỗi lần tắm và ra mồ hôi để tránh tạo môi trường ẩm ướt cho vi khuẩn sinh sôi.

- Giữ vệ sinh giường nằm, phòng ốc sạch sẽ, thoáng mát.

- Bản thân người chăm sóc trẻ phải luôn giữ tay sạch sẽ và khô ráo trước khi tiếp xúc với trẻ.

- Một số cách trị hăm dân gian như dùng nước lá ổi, nước trà hoa cúc hoặc lá trà xanh cũng có tác dụng làm mát và khô vết lở. Tuy nhiên, mẹ cũng nên cân nhắc khi áp dụng những cách này vì làn da bé đang tổn thương có thể sẽ trở nên nhạy cảm và dễ bị kích ứng hơn.

- Tốt nhất mẹ nên phòng bệnh hơn chữa bệnh, luôn vệ sinh sạch sẽ cho bé và thoa kem chống hăm cho trẻ sơ sinh để bảo vệ làn da của bé.