Quyển Đề cương Kinh Pháp Hoa do Thiền sư Minh Chánh biên soạn, được Hoà Thượng Thích Nhật Quang soạn dịch với tựa đề Diệu nghĩa Kinh Pháp Hoa. Đây là phần cương yếu, nêu chỗ cốt lõi của Kinh qua cái nhìn của Thiền sư Việt Nam, giúp chúng ta thấy rõ chỉ thú của Thiền Tông. Nhà xuất bản tổng hợp Hồ Chí Minh trân trọng gửi tới quý bạn đọc.



Tam tạng kinh Phật có hơn năm ngàn quyển, ghi lại vô số những điều vi diệu do đức Thích Ca giảng thuyết với những phương pháp tu hành khác nhau, nhưng tất cả tinh yếu đều thâu tóm trong 8 quyển kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Với hơn 6000 chữ viết trong kinh này thì ý nghĩa cao tột lại được thâu tóm trong 5 chữ tựa đề là DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH. 5 chữ đó lại được thâu tóm trong hai chữ diệu pháp. Hai chữ Diệu Pháp này lại thâu về môt chữ TÂM.

...Cứ mỗi lần đọc lại bản kinh, là mỗi lần thân tâm tôi rúng động. Lời Phật ý Tổ như ngọc sáng lưu ly, soi tỏ muôn dặm đường xa, khiến cho kẻ ly hương tìm được lối về, nhận ra tri kiến Phật nơi chính mình. Thôi thì, xin trả cuộc phiêu lãng lại cho kiếp nhân sinh, nhất định chúng ta sẽ gặp lại nhau... trích Đề cương Kinh Pháp Hoa, nhà xuất bản tổng hợp HCM.

Kinh dạy chúng ta tánh Phật là luôn như vậy. Không thay đổi. Không tăng nơi Phật. Không giảm nơi chúng sinh. Như trời như đất, tánh ấy là bản tánh chung của muôn pháp. Diệu pháp là bản chất của tâm giác ngộ. Kinh Liên Hoa đươc Phật nói ra để khai thị cho chúng sinh biết tự nơi mình có sẳn tâm giác ngộ huyền diệu không khác tâm chư Phật, nên còn gọi là TRI KIẾN PHẬT.