Trại lợn Yến Lợi (đặt ở đầu nguồn suối Đá) với quy mô trên 10.000 con đi vào hoạt động từ tháng 4/2015, chất thải của trại xả thẳng ra suối khiến nước suối biến thành màu đen và có mùi hôi thối. Nước suối ô nhiễm, dân ấp 4 không thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt, trong nước có hoá chất nên người dân không dám dùng để tưới cây. Môi trường sống bị ô nhiễm còn gây hại cho sức khỏe của người dân.

Từ bao đời nay, người dân ấp 4, xã Phú An, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai lấy nước từ suối Đá (suối chảy qua ấp rồi từ đó đổ ra sông Đồng Nai) để sinh hoạt, ăn uống, tưới cho cây trồng. Nhờ nước suối Đá mà các loại cây công nghiệp ở ấp 4 phát triển, cho dân cuộc sống ấm no. Gia đình chị Vũ Thị Hoàng Ngoãn sống ở ấp 4, xã Phú An gần 30 năm, có 2 ha đất trồng cây chôm chôm, sầu riêng, gia đình đào giếng gần suối Đá với độ sâu khoảng 15 m dùng để ăn uống, tắm giặt và tưới tiêu. Tất cả nước tưới cho số cây này bao năm qua đều dùng nước ở suối Đá. Nhưng hơn 1 tháng qua, nước giếng nhà chị Ngoãn nổi váng, biến thành màu đen, không thể sử dụng. Hàng ngày chị phải bỏ hơn 10.000 đồng để mua nước về nấu ăn, còn nước sinh hoạt thì đi xin.


Ảnh minh họa

Hai năm trước, gia đình chị Nguyễn Thuỷ Tiên đầu tư nhiều triệu đồng nuôi cá, nay có trọng lượng gần 1kg/con.Vào cuối tháng 6/2015, bỗng dưng cá chết nổi trắng ao và đến nay thì cả ao cá của chị chết sạch. Chị Tiên than thở: “Ao nhà tôi lấy nước từ suối Đá nhưng nay trong nước suối có hóa chất làm cá bị chết. Tôi có 10 ha trồng chôm chôm, sử dụng nước suối để tưới, đang mùa mưa nên không đáng lo, nhưng mùa khô nếu nước suối vẫn ô nhiễm thì chôm chôm sẽ không có nước tưới. Nhiều năm trước gia đình đầu tư khoan giếng nhưng đây là miền núi, nước ngầm có hạn, chỉ vài tháng cuối của mùa khô, khi nước suối Đá cạn kiệt gia đình mới dùng nước giếng để tưới cho cây trồng”.

Có trên 1.000 nhân khẩu với 185 hộ dân ở ấp 4, xã Phú An. Toàn ấp có 1.600 ha đất trồng cây công nghiệp lâu năm, hầu hết số cây trồng này lấy nước từ suối Đá để tưới. Trại lợn Yến Lợi nuôi với quy mô lớn nhưng xả thải gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc.

Theo Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Phú An, ông Đỗ Thành Huy, trại lợn Yến Lợi được tỉnh cấp phép xây dựng trên diện tích gần 10 ha. Từ khi trại lợn đi vào hoạt động, dân ấp 4 đã phản ánh tình trạng trại gây ô nhiễm môi trường. Trong cuộc họp hội đồng nhân dân vừa qua, xã đã nêu vấn đề này, xã cũng gửi văn bản đề nghị cơ quan chức năng giải quyết.

Ông Ngô Sỹ Bảng, Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Tân Phú chia sẻ: Trước những phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng của huyện Tân Phú đã trực tiếp kiểm tra. Kết quả, trại lợn Yến Lợi xây dựng đầy đủ các hạng mục xử lý chất thải chăn nuôi. Những phản ánh gần đây của dân ấp 4, khi nhận được văn bản huyện sẽ phối hợp cùng các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai thành lập đoàn kiểm tra, chấn chỉnh nếu có vi phạm. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng sẽ xem xét hồ xử lý nước thải của trại lợn; nếu phát hiện trại xả nước thải ra hồ mà không xử lý rồi cho ra môi trường như phản ánh của người dân, ngành chức năng sẽ buộc trại lợn khắc phục, đưa ra những cam kết cụ thể, không để tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường.

Theo ông Bảng, trại lợn Yến Lợi đi vào hoạt động vì mục tiêu phát triển kinh tế, tuy nhiên, để kinh doanh lâu dài, bền vững, trại cần tự giác chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Điều này giúp hài hòa lợi ích của người kinh doanh và cả cộng đồng.