Tôi xin chia sẻ cho các bạn kinh nghiệm làm một bài khóa luận tốt nghiệp thông thường của sinh viên các trường đại học cao đẳng,
Sau đây là bố cục thường có của một bài khóa luận tốt nghiệp, luận văn, chuyên đề khóa luận.
Đặt vấn đề
Hiện nay, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành kèm theo quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Quy chế 43), sinh viên hệ đại học sau khi tích lũy đủ số tín chỉ theo quy định của chương trình đào tạo có thể được viết một khóa luận tốt nghiệp trước khi nhận bằng cử nhân đại học. Thực ra, việc viết khóa luận tốt nghiệp đại học không phải mới được quy định trong Quy chế 43 mà đã được quy định từ các quy chế đào tạo trước đây. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít sinh viên dù đã được học môn học “Phương pháp học tập và nghiên cứu khoa học” (từ khóa 48 môn học này được gộp với môn Logic học thành môn “Logic học và phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học”) và có điểm trung bình chung học tập khá cao nhưng khi viết khóa luận tốt nghiệp vẫn lúng túng, thậm chí không làm được đề cương nghiên cứu. Thực tế này tồn tại lâu nay không chỉ trường Đại học Ngoại thương mà còn ở nhiều trường đại học. Thầy biết, trò biết, nhiều người cùng biết nhưng giải quyết cách nào thì có lẽ không phải ai cũng biết, hay nói đúng hơn là không phải ai cũng dám làm! Kỳ lạ hơn, có trường còn chủ trương buông lỏng việc hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp và chỉ đạo các hội đồng chấm khóa luận phải cho điểm thật cao để “tạo điều kiện cho sinh viên dễ xin việc làm” dù họ biết chất lượng của các khóa luận đã viết không tốt, thậm chí rất kém ! Rõ ràng đây là một chủ trương không thể chấp nhận.
Đối với Trường Đại học Ngoại thương, lãnh đạo Nhà trường cũng như hầu hết các giáo viên, cả trên nguyên tắc và trên thực tế, luôn cố gắng coi trọng việc viết khóa luận tốt nghiệp cũng như nghiêm túc trong việc đánh giá khóa luận tốt nghiệp của sinh viên. Tuy vậy, chất lượng khóa luận tốt nghiệp mấy năm gần đây cũng là một vấn đề đáng để cho những người tâm huyết với nghề phải trăn trở. Tình trạng sao chép khóa luận của các khóa trước, các trường khác không phải hiếm, một bộ phận sinh viên không coi trọng việc viết khóa luận mà chỉ quan niệm đó là một công việc buộc phải hoàn thành, và do vậy, họ chỉ tìm cách đối phó. Ngược lại, một bộ phận không nhỏ sinh viên khác, có thể vẫn coi trọng việc viết khóa luận tốt nghiệp, không tìm cách đối phó nhưng cũng không thể hoàn thành tốt việc viết khóa luận vì chưa thực sự hiểu biết về công việc mình làm. Bài viết này sẽ đề cập đến những vấn đề cơ bản của việc thực hiện một luận văn khoa học nói chung và một khóa luận tốt nghiệp đại học nói riêng, ít nhất là trong phạm vi của trường Đại học Ngoại thương.
Các thể loại luận văn khoa học
Luận văn khoa học (nói chung) là một công trình chuyên khảo về một chủ đề khoa học hoặc công nghệ do một người thực hiện [5] nhằm các mục đích cơ bản như rèn luyện phương pháp và kỹ năng nghiên cứu khoa học cho sinh viên; tổng hợp và thể nghiệm kết quả của một giai đoạn hoặc một quá trình học tập; kiểm tra, đánh giá kết quả dạy và học một môn học nào đó. Nói cách khác, luận văn khoa học là một công trình tập sự nghiên cứu khoa học, ghi nhận một mốc phấn đấu của tác giả luận văn [5].

Tùy theo tính chất, yêu cầu của từng môn học hoặc chuyên ngành đào tạo về việc đánh giá từng phần hay toàn bộ quá trình học tập, hiện tại ở trường Đại học Ngoại thương có 5 thể loại luận văn khoa học chủ yếu như sau:
- Tiểu luận môn học
- Thu hoạch thực tập tốt nghiệp
- Khóa luận tốt nghiệp
- Luận văn thạc sĩ
- Luận án tiến sĩ
2.1. Tiểu luận môn học
Tiểu luận là thể loại chuyên khảo về một chủ đề khoa học, thường được thực hiện trong quá trình học tập một môn học nào đó. Nội dung tiểu luận không nhất thiết phải bao quát toàn bộ nội dung môn học mà có thể chỉ đề cập đến một vấn đề nhất định trong môn học đó.
2.2. Thu hoạch thực tập tốt nghiệp
Thu hoạch thực tập tốt nghiệp là thể loại chuyên khảo của sinh viên nhằm tổng hợp lại một hoặc một vài vấn đề đã tích lũy được sau một thời gian thực tập tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến chuyên ngành đào tạo. Nội dung của thu hoạch thực tập cần phải thể hiện sự đối chiếu, so sánh giữa kiến thức về mặt lý thuyết đã tích lũy được trong trường với kiến thức thực tế diễn ra tại nơi thực tập.
2.3. Khóa luận tốt nghiệp
Khóa luận tốt nghiệp đại học là thể loại chuyên khảo tổng hợp của sinh viên sau khi kết thúc toàn bộ chương trình đào tạo ở bậc đại học để bảo vệ lấy văn bằng cử nhân. Nội dung của khóa luận tốt nghiệp cần đề cập đến các vấn đề thuộc chuyên ngành đào tạo chính, nghĩa là đề tài được chọn để viết khóa luận tốt nghiệp cần phải phù hợp với chuyên ngành đào tạo mà sinh viên đã học.
2.4. Luận văn thạc sĩ
Luận văn thạc sĩ là thể loại chuyên khảo trình bày một nghiên cứu có hệ thống của học viên cao học để bảo vệ lấy văn bằng thạc sĩ. Nội dung của luận văn thạc sĩ, theo quy chế đào tạo thạc sĩ hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, “phải thể hiện được các kiến thức về lý thuyết và thực hành trong lĩnh vực chuyên môn, phương pháp giải quyết vấn đề đã đặt ra. Các kết quả của luận văn phải chứng tỏ tác giả đã biết vận dụng phương pháp nghiên cứu và những kiến thức được trang bị trong quá trình học tập để xử lý đề tài” [2].

2.5. Luận án tiến sĩ
Luận án tiến sĩ là thể loại chuyên khảo trình bày có hệ thống một chủ đề khoa học của nghiên cứu sinh để bảo vệ giành học vị tiến sĩ. Theo Quy chế đào tạo tiến sĩ hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, luận án tiến sỹ “phải là một công trình nghiên cứu khoa học độc đáo, sáng tạo trong lĩnh vực nghiên cứu, có đóng góp về mặt lý luận, chứa đựng những tri thức hoặc giải pháp mới có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu hoặc giải quyết sáng tạo các vấn đề đang đặt ra đối với một ngành khoa học hoặc thực tiễn xã hội” [3].

3. Các bước cơ bản để thực hiện một khóa luận tốt nghiệp đại học
3.1. Lựa chọn đề tài nghiên cứu
Thông thường, sinh viên năm cuối khi viết khóa luận tốt nghiệp có thể nhận đề tài bằng hai cách: cơ sở đào tạo giao đề tài hoặc sinh viên tự lựa chọn đề tài trên cơ sở hướng dẫn của nhà trường. Hiện tại, sinh viên trường Đại học Ngoại thương đang thực hiện theo cách thứ hai. Hàng năm, Nhà trường công bố một danh mục các hướng đề tài cần nghiên cứu để sinh viên lựa chọn. Vì đây chỉ là danh mục gợi ý nên sinh viên có thể lựa chọn các đề tài theo danh mục này hoặc tự đề xuất một đề tài khác để các bộ phận chức năng (khoa/ bộ môn) phê duyệt. Việc lựa chọn đề tài dù theo cách nào cũng cần phải tuân thủ hai nguyên tắc cơ bản là phù hợp với chuyên ngành đào tạo và không được trùng lặp với các đề tài đã nghiên cứu của hai năm trước đó. Việc phê duyệt đề tài của bộ phận chức năng cũng phải tuân thủ hai nguyên tắc này, nghĩa là bộ phận chức năng không chỉnh sửa đề tài mà chỉ phê duyệt khi đề tài được lựa chọn đã thỏa mãn đủ hai điều kiện trên. Việc chỉnh sửa để chuẩn hóa tên đề tài sẽ do sinh viên và giáo viên được phân công hướng dẫn thực hiện.
Việc lựa chọn đề tài khóa luận tốt nghiệp cần bảo đảm những yêu cầu cơ bản như:
- Đề tài có ý nghĩa khoa học hay không ?
Ý nghĩa khoa học của đề tài được thể hiện ở ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn. Nội dung các đề tài được lựa chọn để viết khóa luận tốt nghiệp cần có cả ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn. Tuy vậy, sinh viên cũng có thể lựa chọn những đề tài chỉ có ý nghĩa thuần túy lý thuyết nhưng cần phải thuyết minh rõ.
- Đề tài có tính cấp thiết hay không ?
- Đề tài có phù hợp với sở thích nghiên cứu của sinh viên hay không ?
- Sinh viên có đủ điều kiện cần thiết để tiến hành nghiên cứu hay không ?
3.2. Xây dựng đề cương nghiên cứu
Sau khi đã xác định được đề tài cần nghiên cứu và được phê duyệt, sinh viên cần tiến hành lập đề cương nghiên cứu sơ bộ để xác định các vấn đề cơ bản cần nghiên cứu. Đề cương sơ bộ có thể chỉ cần viết tóm tắt nội dung của những phần chính như phần mở đầu, phần nội dung nghiên cứu, phần kết luận. Trên cơ sở đề cương sơ bộ người nghiên cứu (sinh viên) sẽ cụ thể hóa thành đề cương nghiên cứu chi tiết. Đề cương nghiên cứu chi tiết có thể bao gồm những nội dung sau:
3.2.1. Phần mở đầu
Phần mở đầu của một khóa luận tốt nghiệp thường phải bao gồm:
- Tính cấp thiết của đề tài hay lý do chọn đề tài. Nội dung phần này trả lời cho câu hỏi: vì sao người viết lại chọn đề tài này mà không chọn đề tài khác?
- Mục đích nghiên cứu của đề tài. Phần này trả lời câu hỏi: việc nghiên cứu đề tài này nhằm đạt được cái gì, nghiên cứu để làm gì ?
- Đối tượng nghiên cứu. Nội dung phần này trả lời câu hỏi: đề tài sẽ nghiên cứu cái gì?
- Phạm vi nghiên cứu. Phần này cần làm rõ 3 loại phạm vi: phạm vi nghiên cứu về mặt thời gian, tức là sự kiện diễn ra trong khoảng thời gian nào; phạm vi nghiên cứu về không gian, tức là sự kiện diễn ra ở đâu; và, phạm vi nội dung nghiên cứu, tức là nghiên cứu những vấn đề cụ thể nào trong số hàng loạt vấn đề có liên quan đến đề tài đã chọn.
- Phương pháp nghiên cứu. Nội dung phần này cần trả lời cho câu hỏi là, trong quá trình nghiên cứu, người nghiên cứu sẽ áp dụng những phương pháp cụ thể nào để chứng minh giả thuyết khoa học do mình đặt ra, luận giải những vấn đề thuộc nội dung nghiên cứu của đề tài. Tùy theo yêu cầu của từng đề tài và đối tượng nghiên cứu mà các phương pháp áp dụng có thể là phân tích - tổng hợp; diễn giải - quy nạp; đối chiếu - so sánh; khảo sát - chuyên gia; khái quát hóa, v.v.
- Kết cấu của khóa luận. Phần này có thể chỉ cần giới thiệu tên các chương của khóa luậni, không cần ghi quá chi tiết.
Ngoài ra, để tăng tính thuyết phục của kết quả nghiên cứu, trong phần mở đầu có thể trình bày thêm về tình hình nghiên cứu đề tài, tức là người nghiên cứu có thể làm rõ rằng đã có ai nghiên cứu đề tài này chưa, nghiên cứu ở mức độ nào, sự khác biệt giữa việc nghiên cứu của mình với việc nghiên cứu của các tác giả khác ở chỗ nào (nội dung này thường được trình bày sau phần tính cấp thiết của đề tài).
3.2.2. Nội dung các chương, mục của khóa luận
Thông thường đối với một khóa luận tốt nghiệp, phần nội dung chính tùy theo từng đề tài có thể kết cấu thành từ 3 đến 5 chương. Tuy nhiên, trên thực tế, đối với một khóa luận thì yêu cầu về mặt học thuật thường không cao như đối với luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ nên hầu hết các nhà nghiên cứu khoa học cho rằng chỉ nên kết cấu theo thuyết “Tam đoạn luận”, tức là chỉ nên chia thành 3 chương là đủ. Tương ứng với 3 chương này là ba nội dung chính đó là “Lý luận, Thực trạng và Giải pháp”. Đề cương của mỗi chương càng chi tiết thì quá trình nghiên cứu sẽ càng thuận lợi và việc viết báo cáo kết quả nghiên cứu sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc làm đề cương quá sơ sài. Rất tiếc, đây lại là điều mà không ít sinh viên đã sai lầm khi làm đề cương nghiên cứu. Thực tế cho thấy, rất nhiều sinh viên không nhận thấy sự cần thiết của việc làm đề cương chi tiết, do vậy, khi làm đề cương thường chỉ làm qua loa, sơ sài mang tính chất đối phó với một thủ tục bắt buộc. Do đề cương sơ sài nên đến khi viết báo cáo kết quả nghiên cứu chính thức sẽ gặp rất nhiều khó khăn, khi đó sinh viên sẽ, hoặc là tự viết theo ý hiểu của mình và nhiều khi bị lạc đề, hoặc tìm cách sao chép một tài liệu tương tự với đề tài của mình và khi bảo vệ trước hội đồng chấm khóa luận tốt nghiệp thường không trả lời được các câu hỏi của hội đồng vì bản thân sinh viên không hiểu bản chất của vấn đề mình viết. Vì thế, viết đề cương chi tiết là một khâu tối quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của khóa luận. Muốn có chất lượng khóa luận tốt, sinh viên cần phải quan tâm đúng mức tới khâu này.
3.2.3. Phần kết luận
Nội dung phần này cần trình bày một cách ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng những kết quả mới của đề tài nghiên cứu; các kiến nghị tiếp theo từ kết quả nghiên cứu.
3.3. Thu thập tài liệu, xử lý thông tin
Ngay sau khi có đề cương sơ bộ người viết đã phải tiến hành thu thập tài liệu liên quan đến đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên, các tài liệu thu thập ở giai đoạn này có thể chưa cần chi tiết, chưa cần đầy đủ. Việc thu thập tài liệu chi tiết sẽ được đặt ra sau khi hoàn thành đề cương chi tiết. Càng có được nhiều tài liệu liên quan đến đề tài đã chọn thì việc nghiên cứu càng trở nên dễ dàng hơn. Tuy vậy, vì rất nhiều lý do khác nhau việc thu thập tài liệu không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thậm chí, trong nhiều trường hợp người viết gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thập tài liệu. Khi đó, ngoài các tài liệu sơ cấp người viết buộc phải sử dụng các tài liệu thứ cấp, tức là các tài liệu đã qua “gia công, chế biến” làm cho tính chính xác có thể không cao. Chính vì thế, việc xử lý thông tin sau khi thu thập là công việc vừa quan trọng vừa phức tạp mà người nghiên cứu phải thực hiện. Một trong những vấn đề người nghiên cứu cần chú ý khi xử lý thông tin đó là giá trị khoa học của các thông tin khi chúng mâu thuẫn với nhau. Về nguyên tắc, các tài liệu do cơ quan có thẩm quyền cao hơn ban hành sẽ có giá trị cao hơn tài liệu do cơ quan có thẩm quyền thấp hơn ban hành; các tài liệu trích dẫn từ các tạp chí chuyên ngành, các sách chuyên khảo sẽ có giá trị cao hơn tài liệu trích dẫn từ các nguồn không chuyên …
3.4. Viết bản thảo báo cáo tổng hợp
Sau khi đã thu thập tài liệu đủ để phục vụ cho việc luận giải các giả thuyết khoa học và các tài liệu đã được xử lý, phân tích xong thì công việc tiếp theo là tiến hành viết bản thảo theo các nội dung đã có trong đề cương chi tiết. Logic thông thường nhất là viết tuần tự theo các chương mục đã thiết kế, tuy vậy, việc viết bản thảo cũng có thể không nhất thiết phải đi theo đúng trình tự này mà tùy theo điều kiện cụ thể có thể tạm bỏ qua phần, mục trước để viết các phần, mục sau. Tuy nhiên, tính logic giữa các phần, mục thì không thể bỏ qua.
Để bảo đảm tính logic của toàn bộ công trình, tức toàn bộ khóa luận, người viết cần lưu ý rằng các vấn đề lý luận trình bày ở chương 1 (Cơ sở lý luận) phải được đưa vào phân tích thực trạng ở chương 2 (Thực trạng của vấn đề nghiên cứu). Nói cách khác, phần mô tả thực trạng ở chương 2 phải được phân tích dựa trên các vấn đề lý luận trình bày ở chương 1. Phần cuối của chương 2 thông thường phải có mục đánh giá thực trạng của vấn đề nghiên cứu. Phần đánh giá thực trạng chính là căn cứ để đề xuất các giải pháp, kiến nghị ở chương 3 – chương cuối cùng của khóa luận.
Một phần đặc biệt quan trọng của một luận văn khoa học nói chung và của một khóa luận tốt nghiệp nói riêng là phần đề xuất các giải pháp hoặc kiến nghị. Trong rất nhiều trường hợp người viết thường cho rằng đây là phần khó viết nên hoặc các tác giả “tự bịa” hoặc viết như kiểu hô khẩu hiệu mà không nhận thấy sự vô lý của các giải pháp, thậm chí có nhiều vấn đề đã được thực hiện nhưng vẫn được tác giả cho là giải pháp mới đề xuất. Vì thế, một giải pháp muốn có tính thuyết phục thông thường phải có các nội dung tối thiểu như căn cứ đề xuất giải pháp đó, nội dung cụ thể của giải pháp, chủ thể thực hiện giải pháp, điều kiện để thực hiện giải pháp, kết quả dự kiến của giải pháp. Ngoài ra, cũng có thể cần chỉ rõ mối quan hệ giữa các giải pháp, vị trí của từng giải pháp, giải pháp nào là giải pháp đột phá, giải pháp nào là giải pháp chủ yếu, giải pháp nào là giải pháp bổ trợ, v.v.
3.5. Chỉnh sửa nội dung khóa luận
Sau khi hoàn thành bản thảo báo cáo kết quả nghiên cứu, theo quy định, sinh viên phải nộp bản thảo cho giáo viên hướng dẫn để được người hướng dẫn khoa học nhận xét và yêu cầu chỉnh sửa (nếu cần). Trong bước này, cả người viết và người hướng dẫn cần lưu ý rằng, nhiệm vụ của người hướng dẫn là phải đối chiếu với đề cương chi tiết để bảo đảm rằng nội dung bài viết đã bám sát yêu cẩu của đề tài. Người hướng dẫn thông thường chỉ có nghĩa vụ kiểm soát nội dung khoa học của khóa luận, không chịu trách nhiệm đối với những sai sót về hình thức của khóa luận vì những vấn đề liên quan đến hình thức khóa luận như cách trình bày bìa, phông chữ, cỡ chữ, khoảng cách giữa các dòng, cách trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo v.v. đã được quy định thành văn bản cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo và/ hoặc của cơ sở đào tạo, tức là của Nhà trường. Chính vì vậy, trong bước này, giáo viên hướng dẫn cần xem xét lại toàn bộ tính khoa học của đề cương chi tiết, nếu thấy có chỗ bất hợp lý cần điều chỉnh cho hợp lý hơn. Nếu không cần điều chỉnh đề cương chi tiết thì công việc của người hướng dẫn lúc này là kiểm tra sự phù hợp của bản thảo với từng chi tiết nhỏ của đề cương nghiên cứu và tính khoa học trong từng phần, mục của bản thảo. Người hướng dẫn cần yêu cầu sinh viên viết khóa luận sửa chữa bất cứ một sự vô lý nào trong bản thảo để đảm bảo khóa luận có thể đạt chất lượng đến mức cao nhất có thể được.
Việc chỉnh sửa nội dung bản thảo, tùy theo từng trường hợp cụ thể, có thể thực hiện một hoặc nhiều lần cho đến khi chất lượng khóa luận đạt đến mức cần thiết.
3.6. Viết bản tóm tắt nội dung khóa luận
Sau khi hoàn thành báo cáo khoa học và đã nộp bản chính thức cho Nhà trường, trước khi bảo vệ khóa luận, vệ sinh viên cần viết bản tóm tắt các nội dung chủ yếu của khóa luận. Theo quy định hiện hành, thời gian sinh viên trình bày bản tóm tắt này không quá 10 phút. Với quy định như vậy, để thuyết phục hội đồng chấm khóa luận tốt nghiệp, sinh viên có thể phân bố kết cấu của bản tóm tắt theo công thức 1+ 2 + 3 + 4, tức là nội dung của phần mở đầu phải trình bày tóm tắt trong vòng khoảng 1 phút, chương 1 tóm tắt trong 2 phút, chương 2 là 3 phút, chương 3 và phần kết luận trình bày trong 4 phút. Sở dĩ nội dung các chương cần trình bày tăng dần vì chương 1 là phần hệ thống các vấn đề lý luận – phần mà thông thường sinh viên chưa nói thì hội đồng chấm khóa luận đã biết sẽ nói gì nên không cần nói nhiều. Chương 2 thường là mô tả thực trạng của vấn đề nghiên cứu nên cần đi sâu hơn. Chương 3 thường là chương đề xuất giải pháp, kiến nghị – những vấn đề được coi là “của riêng người nghiên cứu” nên cần trình bày dài hơn so với các chương khác. Phần này càng “viết hay” (tất nhiên phải phản ánh trung thực nội dung khóa luận) thì sinh viên càng có nhiều cơ hội đạt điểm cao.
3.7. Bảo vệ khóa luận tốt nghiệp
Theo quy định hiện hành, sinh viên phải bảo vệ kết quả nghiên cứu trước hội đồng chấm khóa luận của Nhà trường. Kết quả chấm khóa luận trước hết phụ thuộc vào chất lượng khóa luận và phần bảo vệ của sinh viên, tức là phần trình bày bản tóm tắt khóa luận và phần trả lời các câu hỏi của hội đồng. Tuy nhiên, nhiều khi kết quả chấm khóa luận lại bị ảnh hưởng bởi một yếu tố khác, đó là sự đánh giá không chính xác của chính hội đồng chấm khóa luận. Loại bỏ các yếu tố chủ quan từ phía các thành viên hội đồng thì vấn đề còn lại là cách nhận xét, đánh giá chất lượng của khóa luận. Thực tế cho thấy còn có những sự khác biệt, thậm chí là khác biệt khá lớn trong cách đánh giá chất lượng khóa luận tốt nghiệp của sinh viên. Điều này, một mặt là do một số giáo viên còn thiếu kinh nghiệm chuyên môn, thiếu kinh nghiệm nghiên cứu khoa học nên việc nhìn nhận, đánh giá nội dung khóa luận chưa chuẩn xác. Mặt khác, cũng có thể do còn có sự khác biệt trong quan điểm khoa học giữa các thành viên trong hội đồng chấm khóa luận. Để khắc phục tình trạng này, Nhà trường cần ban hành văn bản thống nhất cách đánh giá khóa luận tốt nghiệp với những chuẩn mực về hình thức và nội dung chi tiết. Việc xóa bỏ hoàn toàn sự khác biệt trong quan niệm khoa học giữa các thành viên hội đồng chấm khóa luận là việc làm có thể gọi là không tưởng nhưng với những chuẩn mực cụ thể, chi tiết được ban hành, kết quả đánh giá khóa luận chắc chắn sẽ chính xác hơn rất nhiều so với trước đây.
Kết luận
Khóa luận tốt nghiệp là công trình khoa học kết thúc chương trình đào tạo toàn khóa của sinh viên đại học. Việc hoàn thành công trình này không chỉ có ý nghiã thiết thực đối với sinh viên để nhận bằng cử nhân mà còn là dịp để sinh viên rèn luyện kỹ năng nghiên cứu khoa học của mình. Tuy nhiên, để đạt được kết quả cao trong việc viết và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp của mình mỗi sinh viên cần có được những kiến thức tối thiểu về phương pháp luận nghiên cứu khoa học và tuân thủ những quy định tối thiểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như của Nhà trường liên quan đến công việc này.
Tài liệu tham khảo:

nguon:ieit.edu.vn
Bài viết khác cùng Box