4 loại cây cỏ thuốc nam chữa bệnh mất ngủ hiệu quả



1. Bình vôi
Bình vôi (Tuber Stephaniae glabrae), còn gọi là củ một, củ mối trôn, ngải tượng, tử nhiên, củ gà ấp… Bình vôi có xuất xứ ở Đông Nam Á và Ấn Độ, mọc hoang chủ yếu ở vùng núi đá vôi các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hòa Bình, Hà Tây (cũ), Hà Nam, Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Nam… Bộ phận dùng làm dược liệu là phần gốc thân phình thành củ của cây bình vôi. Bình vôi được thu hái, chế biến quanh năm, đào lấy củ, rửa sạch, cạo bỏ vỏ đen, thái mỏng, phơi hay sấy khô….
Bình vôi có hoạt chất L-tetrahydropalmatin có khả năng an thần, gây ngủ, chữa nhức đầu, sốt nóng, đau dạ dày (thuộc nhiệt), ho nhiều đờm, hen suyễn, khó thở, hạ huyết áp, chống co quắp…

2. Cây nữ lang
Cây nữ lang (tên khoa học là Valeriana officinalis) thuộc họ Valenriaceace, là một loài thực vật sống lâu năm ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ.
Từ hàng trăm năm nay, cây nữ lang đã được sử dụng để trợ giúp cho giấc ngủ của con người. Dù là một loại thảo dược có thành phần khá phức tạp (hơn 120 thành phần hóa học được tìm thấy trong nữ lang), tuy nhiên lại chưa thấy bất kỳ tác dụng phụ tiêu cực nào khi người ta sử dụng một lượng nữ lang vừa phải. Chúng là loại thực vật có lợi mà không gây nghiện. Vì vậy, bạn có thể yên tâm điều trị mất ngủ bằng phương pháp này mà không sợ bị nghiện.
Mặt khác, nó còn giúp cho bạn lập lại chu kỳ đi ngủ và thức dậy. Đây là tác dụng đặc biệt của cây nữ lang, dành cho những ai thường xuyên đi lại qua những vùng có múi giờ khác nhau. Các nhà khoa học người Mỹ cũng đã chứng minh được công dụng của cây nữ lang như là một loại thuốc an thần nhẹ cho những người đang gặp căng thẳng, phiền muộn. Các thành phần chiết xuất từ cây nữ lang cũng được tìm thấy trong các loại thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần benzodiazepine.

Cây nữ lang giúp thư giãn nhẹ nhàng và trợ giúp giấc ngủ hiệu quả, giúp ngủ ngon mà không hề gây ra cảm giác khó chịu, mệt mỏi cho người sử dụng khi tỉnh dậy vào buổi sáng. Bên cạnh đó, những người lái xe đều không gặp phải trạng thái buồn ngủ, lờ đờ sau khi sử dụng loại thảo dược này.
3. Trinh nữ
Trinh nữ còn gọi là cây xấu hổ, cây mắc cỡ, cây thẹn, hàm tu thảo, ojigi-so (Nhật Bản), Lajwanti (Ấn Độ), Lajjabati (Bangladesh), Sensitive (Anh & Pháp)… tên khoa học là mimosa pudica L. họ Trinh nữ (mimosaceae).
Cây trinh nữ có tác dụng ức chế thần kinh Trung ương, chữa trị các chứng mất ngủ; Song cũng có thể làm chậm thời gian xuất hiện co giật, giảm đau và giải độc, kìm hãm sự sinh trưởng của vi khuẩn, có tính diệt nấm, diệt giun… Người ta còn sử dụng toàn cây trinh nữ thái nhỏ, phơi khô, sao vàng sắc lấy nước uống thay trà hàng ngày trị đau nhức mỏi, sưng phù.
Lá cây xấu hổ được dùng trị mất ngủ và dịu thần kinh. Liều dùng: 6 – 12gr lá khô/ngày, sắc uống trước khi đi ngủ.
4. Lá sen
Sen là dược thảo đã được dân gian dùng từ lâu đời. Trong đó, lá sen cũng được nghiên cứu và có nhiều tác dụng khác nhau. Lá sen được dùng trong y học cổ truyền với tên là liên diệp hoặc hà diệp, dùng lá non (hoặc lá còn cuộn lại chưa mở) và lá bánh tẻ, bỏ cuống.
Nuciferin có trong lá sen có tác dụng an thần, giải co thắt cơ trơn, hạ huyết áp, giảm đau, chống rối loạn nhịp tim, cầm máu… Hay chất flavonoid trong lá sen có tác dụng chống oxy hóa lipid màng tế bào gan. Lá sen cũng chứa alkaloid – một chất có tác dụng an thần tốt.
Với lá sen, chỉ được dùng 15 – 20gr mỗi ngày cho người lớn, nếu dùng quá liều sẽ gây độc.