Một người được coi là mất ngủ nếu họ ngủ ít hơn bình thường từ 2 giờ trở lên. Ví dụ một nam thanh niên 25 tuổi, trước đây mỗi ngày ngủ 8 giờ. Nếu bây giờ anh ta chỉ ngủ được 5 giờ mỗi ngày thì coi như là mất ngủ.

Mất ngủ bao gồm mất ngủ đầu giấc (khó vào giấc ngủ), mất ngủ giữa giấc (đang ngủ thì tỉnh giấc và phải mất một thời gian dài mới ngủ lại được), mất ngủ cuối giấc (thức giấc sớm lúc 2-3 giờ sáng và không ngủ lại được). Khi tất cả các dạng mất ngủ này nặng lên, bệnh nhân sẽ mất ngủ hoàn toàn.
Mất ngủ mạn tính là mất ngủ liên tục, kéo dài trên 1 tháng mà không có nguyên nhân nào rõ ràng (không phải do trầm cảm, tâm thần phân liệt, nghiện rượu, nghiện ma túy…).
Thực tế cho thấy, bệnh mất ngủ mạn tính thường kéo dài nhiều năm (hàng chục năm), nhiều bệnh nhân, bệnh kéo dài suốt đời.

Ngoài ra, mất ngủ có thể là triệu chứng của một số dạng rối loạn giấc ngủ dưới đây. Ví dụ, hội chứng chân không nghỉ- một trạng thái thần kinh, trong đó người bệnh có cảm giác khó chịu và cần di chuyển đôi chân của mình. Bệnh nhân bị hội chứng chân chân không nghỉ thường gặp các triệu chứng tồi tệ hơn về cuối ngày- trong thời gian không vận động và chuyển từ trạng thái thức sang ngủ. Đó là nguyên nhân khiến họ khó đi vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ sâu. Ước tính có khoảng 10% dân số có hội chứng chân không nghỉ.
Ngừng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ có liên quan đến mất ngủ. Ngừng thở khi ngủ xảy ra khi đường thở bị cản trở một phần hoặc toàn phần, dẫn đến giảm nồng độ oxy máu khiến người bệnh thức dậy một thời gian ngắn nhưng lặp đi lặp lại suốt đêm.
Nếu bạn bị khó ngủ thường xuyên, bạn cần xem lại sức khỏe của mình và nghĩ tới bất kỳ bệnh lý tiềm ẩn hoặc rối loạn giấc ngủ nào có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn. Trong một số trường hợp, chỉ cần có những thay đổi nhỏ là đã cải thiện được giấc ngủ (như tránh ánh sáng và cố gắng hạn chế những thứ gây phiền nhiễu, chẳng hạn như ti vi, máy tính, hoặc vật nuôi). Trong khi với các trường hợp khác, bạn cần gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và cách điều trị.