Chuyên: áo gia đình đẹp |


9 tháng mang thai chắc chắn là thời gian mà các mẹ sẽ đối mặt với rất nhiều thay đổi đặc biệt là ở vòng 2 và đương nhiên sau thời gian này, hành trình lột xác của mẹ vẫn còn tiếp tục khi em bé đã ra đời. Tuy nhiên, vì bây giờ mẹ khá bận rộn với việc chăm sóc con nên không có nhiều thời gian để ý đến những thay đổi đó.

Rồi một ngày mẹ bỗng nhận ra, cơ thể, sức khỏe, vóc dáng mình chẳng còn được như xưa… mẹ đừng vội “sốc” nhé. Đây là dấu tích chứng tỏ bạn đã hy sinh để có được một thiên thần nhỏ thôi mà.

Dưới đây là những thay đổi mẹ nên biết trước về cơ thể sau sinh để không quá bất ngờ khi đối mặt.

Kích cỡ giày có thể sẽ thay đổi… mãi mãi

Không biết đây có phải là thông tin tốt lành với các mẹ sau sinh hay không nhưng đó là một sự thực. Hầu hết trong thời gian mang thai, chân mẹ sẽ to lên 1-2 cỡ giày. Đây là điều bình thường và nhiều mẹ tin rằng sau sinh sẽ “đâu lại vào đấy”. Tuy nhiên theo kết quả thống kê, có đến 60-70% phụ nữ không thể lấy lại đôi chân thon sau ca sinh nở.

Mắc hội chứng ống cổ tay

Tuy tình trạng này không quá phổ biến nhưng có khá nhiều mẹ bầu than phiền rằng họ đã mắc hội chứng ống cổ tay khi mang thai. Nguyên nhân là do cơ thể tăng cân quá nhanh cộng với hormone thai kỳ khiến các dây chẳng bị giãn ra. Hội chứng ống cổ tay sẽ làm mẹ cảm thấy khỏ chịu và khá đau đớn. Tin đáng buồn là chỉ 50% phụ nữ sau sinh khắc phục được chứng bệnh này, còn rất nhiều phụ nữ phải đối mặt với bệnh ống cổ tay đến cuối đời.

Đi tiểu mất kiểm soát

Có 2 vấn đề thường gặp liên quan đến chuyện đi vệ sinh của mẹ sau sinh đó là họ không thể kiểm soát được cơn buồn đi tiểu của mình và thứ hai là dù có những khi không muốn đi nhưng nước tiểu vẫn cứ chảy ra. Nói dễ hiểu đây là tình trạng đi tiểu mất kiếm soát mà rất nhiều mẹ gặp phải sau sinh.

Nguyên nhân được cho là sau ca sinh nở, vùng kín bị giãn nở quá rộng, cộng với bàng quang bị chèn ép do thai nhi ngày một lớn, quá trình sinh nở gây đau đớn… khiến mẹ không thể kiểm soát chặt chẽ được các hoạt động trong cơ thể mình.

Vấn đề rò rỉ nước tiểu không quá ngạc nhiên và nguy hiểm nhưng đôi khi lại khiến chị em bối rối. Các chuyên gia khuyên mẹ nên chăm chỉ tập Kegel hoặc thăm khám bác sĩ để được điều trị nếu tình trạng này ngày một nặng nề.


Ảnh: internet.

Sẽ mất rất nhiều máu

Dù chọn đẻ thường hay đẻ mổ thì mẹ đều phải đối mặt với tình trạng chảy máu ở vùng âm đạo. Tình trạng này không diễn ra 4-5 ngày như chu kỳ kinh nguyệt mà có thể kéo dài từ 4-6 tuần. Vì vậy mẹ đừng quá sốc khi thấy máu vẫn cứ ra mãi. Ban đầu máu sẽ có nhiều cục và có màu đỏ tươi nhưng dần sẽ chuyển sang màu nâu thẫm, sau đó dần hết hẳn.

Chu kỳ kinh nguyệt của mẹ sẽ trở lại ổn định bình thường sau sinh từ 3-4 tháng hoặc sau 6 tháng với người cho con bú đều đặn.
Sau sinh, sữa chảy không thể kiểm soát

Mặc dù mẹ đã vừa cho con bú nhưng sữa vẫn tiết ra, thậm chí là chảy thành dòng khiến mẹ bối rối mà cảm thấy ướt át, khó chịu. Có những bà mẹ dù đã cai sữa cho con cả năm nhưng vẫn còn sữa chảy mỗi khi bị kích thích. Đây là hiện tượng bình thường và chiếm khoảng 20-25% bà mẹ.

Với những bà mẹ này luôn chú ý mang bên mình những miếng lót thấm sữa để sữa không chảy ra quần áo bên ngoài khiến mẹ ngại ngùng.

Bị táo bón, trĩ hoành hành

Trong thời kỳ mang thai, nếu sản phụ mắc bệnh trĩ, sau khi sinh thường tình trạng sẽ xấu hơn. Vì lúc đẻ phải dùng sức rặn rất mạnh nên bệnh càng trầm trọng hơn.

Trĩ thường sưng to hơn sau khi đẻ 2 – 3 tuần, có khi rất đau, chính vì sợ đau nên bà mẹ có buồn đại tiện cũng cố nhịn, dẫn tới bị táo bón thường xuyên, điều đó lại làm cho trĩ lại càng nặng hơn, hình thành vòng lẩn quẩn.

Ngoài điều trị dùng thuốc và thuốc bơm hậu môn cho mềm phân thì sản phụ còn cần phải chú ý đến ăn uống, không để bị táo bón nặng hơn. Để tránh táo bón, bà mẹ nên ăn nhiều loại canh rau, trái cây và uống nhiều nước (ít nhất 2 lít nước/ngày). Muốn có nhiều sữa thì nên uống sữa hay uống nhiều nước trước mỗi lần cho bé bú.

Đổ mồ hôi rất nhiều

Sinh con khiến bạn "đổ mồ hôi, sôi nước mắt", thế nhưng vẫn chưa hết, sau khi sinh có thể bạn vẫn bị ra mồ hôi khá nhiều trong vài tuần đầu. Nguyên nhân là do lượng estrogen trong cơ thể giảm xuống nhanh và đột ngột, cộng thêm sự thay đổi hormone sẽ gây xáo trộn nhiệt độ của cơ thể. Bạn cũng không cần quá lo lắng, bởi mọi thay đổi này hầu như sẽ trở lại bình thường trong vòng từ 1-2 tháng mà thôi.

Hiện tượng “não trẻ em”

Mẹ sẽ thường xuyên hay quên hay mọi suy nghĩ đều về em bé trong thời điểm này và quên đi rất nhiều việc khác, người ta gọi đó là hiện tượng “não trẻ em” sau sinh. Nguyên nhân được cho là thời gian này mẹ thường xuyên nghĩ, lo lắng cho em bé… ngoài ra cũng được giải thích là do một số tế bào của em bé vẫn còn tồn tại trong não mẹ (do quá trình trao đổi thường xuyên giữa mẹ và thai nhi qua nhau thai). Thậm chí các chuyên gia còn cho rằng tế bào cũng có thể trao đổi trong thời giãn cho con bú.

Đây là hiện tượng hết sức bình thường và mẹ không có gì phải lo lắng cả. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng hệ thống miễn dịch của mẹ sẽ tốt hơn rất nhiều nhờ có tế bào của con ở trong cơ thể mình.