Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công nhận tác dụng hạ đường huyết của hạt methi. Tuy nhiên, cho đến nay cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vẫn chưa chấp thuận sử dụng hạt này làm thuốc, do chưa đủ các chứng cứ về hiệu quả và tác dụng phụ. Các nghiên cứu về tác động dược lý của hạt methi đối với bệnh đái tháo đường hiện vẫn đang tiếp tục, để có câu trả lời về vai trò thực sự của loại thảo dược này. Nhiều người mắc bệnh tiểu đường đang rỉ tai nhau tìm mua một loại hạt có tên methi về uống, với niềm tin đây là “thảo dược trị tiểu đường số một thế giới”. Có thật như vậy không?
Hạt methi được thu hái từ cỏ cari (có người gọi càri) hoặc khổ đậu, tên khoa học trigonella foenum-graecum L., thuộc họ Đậu – Fabacaeae. Cây thuộc loại bán khô hạn, hiện diện ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Bangladesh, Argentina, Hy Lạp, Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc... Trong đó, Ấn Độ là quốc gia cung cấp phần lớn thảo dược này.
Tên gọi cỏ cari là do hạt có màu vàng hoặc hổ phách, mùi thơm đặc biệt, được sử dụng làm gia vị trong các món ăn truyền thống Ấn Độ. Còn gọi khổ đậu (nghĩa là đậu đắng) vì hạt có vị đắng, khi dùng thường phải rang thơm để giảm bớt vị đắng. Riêng tên gọi methi, xuất phát từ Ấn Độ. Người Ấn Độ có thói quen uống khoảng 2 – 3g hạt với nước ấm mỗi buổi sáng trước khi đánh răng và điểm tâm, với mục đích giảm đau nhức xương khớp. Y học cổ truyền Trung Quốc gọi thảo dược này là hồ lô ba (hu lu ba) có tác dụng làm ấm và bổ thận, tán hàn, giảm đau. Chỉ định chủ yếu với chứng thoát vị. Dùng dưới dạng hạt khô hoặc rang chín. Trong hạt methi chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể: đường cao phân tử, chủ yếu galactomannan (44,2%); chất đạm (26,25%); axít béo không no (5,8%); vitamin và khoáng chất (3%), gồm sắt, canxi, phốtpho, magiê, kali, natri, kẽm, đồng, mangan, vitamin C, B1, B2, B5, axít folic…; các acid amino tự do 4-hydroxyisoleucine (0,09%), histidine, arginine, lysine, tryptophan... Một số thành phần có hoạt tính sinh học: saponin (diosgenin, yamogenin, gitogenin, tigogenin, neotigogen), alakloid (gentianin, trigonellin, carpain), flavoinoid (apigenin, luteolin, orientin, quercetin, vitexin, isovitexin), tinh dầu, chất xơ…
Về công dụng chữa bệnh của methi
thảo dược methi được sử dụng làm thuốc, gia vị, dầu gội đầu ở nhiều quốc gia Tây Âu và châu Phi. Kinh nghiệm dân gian cho thấy methi có tác dụng hỗ trợ tiêu hoá, hạ mỡ máu (cholesterol và triglycerid), giảm đường huyết. Một vài báo cáo thử nghiệm lâm sàng cho thấy uống khoảng 25 – 50g hạt methi khử béo mỗi ngày, làm tăng hiệu quả giảm đường huyết ở bệnh nhân đang áp dụng các liệu pháp điều trị thông thường (người bệnh đang dùng insulin hoặc các thuốc hạ đường huyết khác).

Cơ chế hạ đường huyết có thể là do hiệu ứng ức chế sự hấp thu glucose tại ruột, ức chế vận chuyển glucose, kéo dài thời gian làm rỗng dạ dày, hoặc cải thiện hoạt tính ngoại vi của insulin. Trong hạt methi có một axít amin được gọi là 4-hydroxyisoleucine, có tác dụng kích thích quá trình sản xuất insulin của tuyến tuỵ. Một số alkaloid (gentianin, trigonellin, carpain) có tác dụng làm giảm tính kháng insulin, giảm nồng độ đường trong máu. Cũng có giả thiết cho rằng, hạt methi làm gia tăng số lượng thụ thể insulin trong các tế bào hồng cầu. Đường cao phân tử galactomannan trong hạt methi làm chậm tốc độ hấp thu đường vào máu, giảm cholesterol, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Chất xơ chiếm khoảng 3% trong hạt methi có vai trò quan trọng trong kiểm soát đường và mỡ máu ở phụ nữ đái tháo đường thai kỳ.
Tác dụng phụ và tương tác thuốc
Bất lợi thường gặp nhất khi sử dụng hạt methi là mồ hôi, nước tiểu bị thay đổi màu và có mùi cari do thành phần sotolon trong tinh dầu. Cũng đã có một vài người bị dị ứng với hạt methi. Triệu chứng dị ứng bao gồm khó thở, phát ban, hẹp thanh quản, phù lưỡi, phù mặt và môi. Nếu nghi ngờ dị ứng hạt methi, cần nhanh chóng liên lạc với bác sĩ.
Các thành phần trong hạt methi cũng có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác, vì thế trong trường hợp đang điều trị bệnh mạn tính, trước khi dùng hạt methi Ấn Độ cần có sự đồng ý của bác sĩ điều trị. Uống chung hạt methi với các thuốc hạ đường huyết khác cũng có thể gây tụt đường huyết dưới mức bình thường, đây là một sự cố y khoa khá nguy hiểm.
PGS.TS.DS Nguyễn Phương Dung
Phó trưởng khoa y học cổ truyền; trưởng bộ môn bào chế,
đại học Y dược TP.HCM
Mọi thông tin chi tiết về bệnh hạt methi quý khách có thể tham khảo thêm tại http://www.hatmethiando.net/