Benh lao phoi là thể nặng và dễ lây nhất trong các loại lao. Một bệnh nhân lao phổi mỗi ngày có thể ho khạc ra 1-7 tỷ trực khuẩn lao. Khi vào cơ thể, khuẩn lao khu trú và phát triển chủ yếu ở nhu mô phổi (85-90%). Số còn lại gây hại cho các cơ quan khác như màng não, xương khớp, hạch, thận, ruột, da.

Thủ phạm gây bệnh lao phổi là trực khuẩn Koch. Đây là một loại khuẩn hình que, sinh sản nhanh và bền vững. Nó có thể sống vài tuần trong không khí và nước; khi bệnh nhân nhổ đờm xuống đất ẩm và nơi tối thì trực khuẩn lao lại tồn tại đến 2-3 tháng.

Khuẩn lao xâm nhập cơ thể khi ta hít thở không khí ô nhiễm (do người bệnh khạc nhổ, ho, hắt hơi), khi nói chuyện trực tiếp với người bệnh, khi dùng đồ ăn thức uống có lao. Có trường hợp vi khuẩn này được ruồi mang đến. Người mang khuẩn lao có thể vẫn khỏe mạnh nếu hệ miễn dịch tốt. Khi hệ miễn dịch suy giảm (như mắc cảm cúm, tiểu đường, bụi silic phổi, HIV/AIDS...) hoặc uống thuốc ức chế miễn dịch như corticoid, bệnh lao sẽ phát triển.


Để phát hiện lao phổi, cần căn cứ vào những dấu hiệu thay đổi của cơ thể như:

- Ho khúc khắc kéo dài, có khi khạc ra đờm hoặc trong đờm lẫn máu.

- Cảm giác mỏi mệt toàn thân, chán ăn, sụt cân trong những tháng đầu.

- Cứ về chiều lại hơi bị sốt, theo dõi thân nhiệt thấy sáng và chiều cách nhau khoảng nửa độ.

- Cảm thấy khó thở, tức ngực, có khi ho ra máu.

Nếu thấy ho khạc kéo dài trên ba tuần, uống thuốc ho thông thường không khỏi, kèm thêm mỏi mệt hoặc sốt nhẹ về chiều thì phải đi khám bệnh và làm xét nghiệm đờm tại bệnh viện.

Bệnh lao phổi lây truyền như thế nào

Khi một người bị lao phổi chưa được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, ho khạc, hắt hơi ra vi khuẩn lao trong không khí, người lành hít phải sẽ bị nhiễm lao. Nếu cơ thể khỏe mạnh, hệ miễn dịch sẽ ngăn vi khuẩn lao sinh sôi nảy nở, chúng sẽ không hoạt động và tồn tại vô hại trong cơ thể. Nhiễm lao sẽ trở thành bệnh lao khi hệ miễn dịch không thể ngăn vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Lúc đó người bệnh sẽ có những dấu hiệu như ho khạc đàm kéo dài trên 2 tuần, sốt nhẹ về chiều, sút cân, đổ mồ hôi về đêm, chán ăn, mệt mỏi…
Người bệnh lao phổi nên làm gì?

Khi có dấu hiệu nghi mắc bệnh lao, chúng ta cần đi khám tại cơ sở y tế, không tự chữa bệnh bằng mọi cách. Người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn của cán bộ y tế, làm đủ các xét nghiệm, dùng thuốc phối hợp đúng, đủ, đều để chữa dứt điểm bệnh và phòng kháng thuốc. Không được tự ý dừng, thêm hoặc đổi thuốc. Thuốc uống hàng ngày vào một giờ nhất định khi đói.

Người bị bệnh lao cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho người xung quanh như: Che miệng khi ho, hắt hơi vào khăn tay, khăn giấy, sau đó luộc sôi khăn tay sau khi giặt bằng xà phòng hoặc đốt khăn giấy. Trong nhà cần mở cửa sổ để không khí lưu thông, hạn chế tiếp xúc với trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai và người ốm yếu. Người bị bệnh lao cần bỏ rượu, bia, thuốc lá, sinh hoạt điều độ, ăn uống đủ chất để chống đỡ bệnh tốt hơn. Thông thường, sẽ có 3 lần xét nghiệm đàm để kiểm tra kết quả điều trị xem bệnh đã khỏi chưa. Lần đầu sau 2 tháng điều trị, lần thứ 2 sau 4 tháng điều trị và lần thứ 3 sau 6 tháng điều trị. Người bị bệnh lao không tuân thủ điều trị sẽ làm cho bệnh không khỏi và trở nên nặng hơn. Điều quan trọng là vi trùng lao trở nên kháng thuốc, điều này sẽ gây khó khăn và tốn kém hơn đối với điều trị lao thông thường nhiều lần. Thuốc điều trị lao hiện được cấp miễn phí cho mọi người bệnh tại cơ sở chống lao.
Cần làm gì để phòng bệnh lao?

Để phòng bệnh lao hiệu quả cần tiêm phòng vắcxin BCG cho trẻ sơ sinh. Tất cả những người có dấu hiệu nghi lao cần được phát hiện bệnh sớm bằng cách xét nghiệm đàm tại cơ sở y tế và điều trị cho khỏi bệnh. Mọi người cần ăn uống đủ chất, tập luyện thể dục thường xuyên để tăng sức chống đỡ của cơ thể với các loại bệnh, trong đó có bệnh lao. Gia đình, người thân, bạn bè cần động viên người nghi lao đến cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh lao. Nhắc người bệnh uống thuốc đều đặn theo hướng dẫn của cán bộ y tế, đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh lao khi chăm sóc người bệnh lao. Điều trị khỏi một người bệnh lao là tránh cho 10 người khác không bị mắc bệnh lao, vì vậy người bệnh lao điều trị khỏi bệnh là bảo vệ bản thân mình và cả cộng đồng.
Điều trị bệnh lao phổi

Hiện nay, lao là bệnh hầu như hoàn toàn có thể chữa được. Bác sĩ thường cần phải kết hợp bốn loại thuốc khác nhau trong vòng sáu tháng cho các loại vi trùng chưa kháng thuốc. Một số thuốc chỉ cần dùng trong vòng hai tháng đầu, sau đó các thuốc còn lại sẽ được tiếp tục cho đủ ít nhất là sáu tháng.

Các chủng vi trùng lao kháng thuốc, nhất là kháng với nhiều thuốc, thường phải cần nhiều thời gian hơn để có thể chữa khỏi.

Các thuốc này lại thường rất mắc tiền, có nhiều tác dụng phụ hơn, và cũng kém hiệu quả hơn các loại thuốc tiêu chuẩn. Thời gian điều trị có thể cần phải kéo dài đến hai năm.

Trước đây, các loại lao gây ra bởi các chủng vi trùng lao kháng thuốc hầu như không thể trị được, vì thuốc quá mắc, trung bình tốn khoảng mười lăm ngàn đô la Mỹ mỗi năm. Gần đây, với sự trợ giúp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, thuốc ở các nước đang phát triển có thể được giảm giá chỉ còn khoảng năm phần trăm giá trước đây.

Chú ý trong điều trị

Nếu có các triệu chứng như kể trên, nên đi khám càng sớm càng tốt, vì bệnh sẽ dễ chữa hơn. Nếu để trể, phổi đã bị tổn thương trầm trọng, sẽ khó phục hồi hoàn toàn, và ta cũng sẽ lây căn bệnh nguy hiểm này cho người thân của ta cũng như nhiều khác.

Vi trùng kháng thuốc là điều rất nguy hiểm cho ta, người thân của ta, cũng như xã hội. Do đó, khi đã được điều trị, cần phải chặt chẽ phối hợp, nghe theo lời dặn của bác sĩ. Vì vi trùng kháng thuốc không chỉ làm bệnh của chính ta khó trị hơn, thời gian điều trị cần kéo dài hơn, tốn kém hơn, mà còn rất tai hại cho xã hội, vì bất cứ ai bị lây chủng vi trùng này cũng đều gặp phải các khó khăn kể trên.

Việc phối hợp chặt chẽ với bác sĩ, cũng sẽ giúp cho các tác dụng phụ của thuốc được kiểm soát chặt chẽ hơn, không gây hại trên cơ thể của ta.