Trường đại học công lập là đơn vị sự nghiệp công lập, do Nhà nước thành lập, cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực sự nghiệp nhằm thực hiện chức năng vốn có số hai của Nhà nước – chức năng phục vụ, góp phần duy trì sự hoạt động của các ngành kinh tế quốc dân thông qua việc cung cấp nguồn nhân lực đạt chất lượng cho các tổ chức, các doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho hoạt động quản lý của Nhà nước.
Để thực hiện sứ mệnh của mình, các trường đại học công lập, được sự quan tâm của Chính phủ trao quyền tự chủ, đặc biệt tự chủ trong hoạt động quản lý tài chính. Trong khuôn khổ bài viết nêu lên thực trạng quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm của các trường đại học công lập được giao tự chủ tài chính, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý tài chính để các nhà trường ngày một tự chủ hơn trong hoạt động sự nghiệp, thực hiện mục tiêu cao cả nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, ngày 24/5/2006 của Chính phủ ra đời đã tạo nhiều thuận lợi cho các trường đại học công lập nói chung. Cơ chế tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập từng bước đổi mới, theo hướng nâng cao quyền tự chủ, gắn với tự chịu trách nhiệm về tài chính. Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 15/02/2015 của Chính phủ (NĐ16) tạo khung pháp lý để các trường tổ chức các hoạt động tài chính một cách hiệu quả hơn, đáp ứng mục tiêu, thực hiện sứ mệnh của mình.
Tuy nhiên thực tế đã cho thấy vẫn còn bất cập trong tự chủ tài chính tại các nhà trường, việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng quản lý tài chính tại các trường đại học được giao tự chủ, đề ra các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ là rất cần thiết.

Thực trạng thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các trường đại học công lập được giao tự chủ
Một là, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà trường được nâng cao trong công tác quản lý nguồn thu. Cơ chế tự chủ cũng tạo điều kiện cho trường thực hiện việc kiểm soát chi tiêu nội bộ, phát huy tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của người lao động; nâng cao kỹ năng quản lý, chất lượng hoạt động sự nghiệp; bước đầu rà soát lại chức năng nhiệm vụ đơn vị, từng bước giảm sự can thiệp của cơ quan quản lý cấp trên; yêu cầu về công khai, minh bạch trong tổ chức sắp xếp công việc, nhân sự, chi tiêu tài chính được thực hiện, tạo không khí đoàn kết trong nội bộ đơn vị.
Phát huy quyền tự chủ, thời gian qua các trường đại học đã áp dụng cơ chế linh hoạt trong các mức thu học phí: giảm học phí các ngành học cần khuyến khích như ngành nông lâm, công nghệ sau thu hoạch, học phí các lớp liên kết được điều chỉnh linh hoạt theo từng địa điểm liên kết.
Hai là, nguồn thu ngoài NSNN đã góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng hoạt động của nhà trường. Việc trao quyền tự chủ đã giúp nhà trường chủ động và tích cực trong việc khai thác nguồn thu nhất là mở rộng các loại hình đào tạo không chính quy, liên kết đào tạo nên nguồn thu sự nghiệp, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong việc bảo đảm nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng. Bên cạnh đó, việc thay đổi khung và mức thu học phí, lệ phí cũng thể hiện rõ chủ trương của Nhà nước, tạo điều kiện nâng cao khả năng tự chủ về tài chính cho các trường đại học và nhằm huy động sự đóng góp của xã hội để phát triển các hoạt động sự nghiệp giáo dục, từng bước giảm dần bao cấp từ NSNN.
Ba là, đa dạng hóa lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học góp phần quan trọng trong khai thác và sử dụng các nguồn thu. Với các nguồn lực sẵn có của đơn vị như điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản, trang thiết bị phương tiện hiện có, các nhà trường đã thực hiện mở rộng, đa dạng hoá loại hình đào tạo, tổ chức nhiều hình thức đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa với các cấp bậc khác nhau như cao đẳng, đại học, sau đại học. Trường cũng tiến hành mời chuyên gia nước ngoài vào giảng dạy các hệ đào tạo trong trường. Do đó, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng lên, đặc biệt là đào tạo sau đại học với các ngành thuộc thế mạnh của mỗi trường.
Để phát triển hoạt động khoa học trong đơn vị, trên cơ sở phát huy năng lực đội ngũ cán bộ và máy móc thiết bị hiện có, các nhà trường đã chủ động ký hợp đồng với Sở Khoa học và Công nghệ của các tỉnh triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học sinh viên cũng được chú trọng và đổi mới nhờ sự ưu tiên kinh phí từ nguồn thu ngoài ngân sách của các trường.
Bốn là, thu nhập của cán bộ viên chức, cơ sở vật chất ngày một cải thiện. Trường đại học bước đầu đã đạt được mục tiêu ngày một nâng cao thu nhập cho cán bộ viên chức. Tuy thu nhập bình quân của cán bộ viên chức trường đại học chưa cao so với một số ngành nghề khác. Thời gian qua công tác chi thu nhập cho cán bộ viên chức luôn được thực hiện kịp thời, chưa để xảy ra tình trạng thanh toán chậm chễ đối với các khoản thanh toán cho cán bộ viên chức.
Năm là, tầm quan trọng của nguồn thu ngoài NSNN cấp được nhà trường quan tâm đúng mức. Trong tất cả các nguồn tài chính phục vụ công tác đào tạo thì nguồn thu học phí là chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nguồn thu của hầu hết các nhà trường. Điều này rất đúng với thực tế với mục đích chia sẻ chi phí giữa người học và Nhà nước là mục tiêu hàng đầu của các cơ sở đào tạo hiện nay.Thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục và đào tạo, được sự đồng tình ủng hộ của người học nên nguồn thu học phí của các nhà trường hiện nay chiếm tỷ trọng khá cao và là nguồn thu lớn để bổ sung nguồn kinh phí bảo đảm việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Xem thêm: