Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với việc tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, để DN thực sự mặn mà với "mảng miếng" vốn được nhận định có nhiều rủi ro này, mấu chốt là phải giải quyết được các nút thắt chính sách nổi cộm.


Gia tăng nhưng vẫn "hẻo"

Theo Bộ NN&PTNT, 5 năm trở lại đây, số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã gia tăng đáng kể. Năm 2017, đã có 1.955 DN thành lập mới, tăng 20% so với bình quân 3 năm giai đoạn 2014 - 2016. Nếu tính tất cả các DN tham gia trong chuỗi giá trị nông sản, đến tháng 9/2018, cả nước có trên 49.600 DN, chiếm 8% tổng DN cả nước, trong đó có 8.635 DN trực tiếp sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, thủy (chiếm hơn 1%), gấp 2,5 lần so với năm 2012. Tag: phòng bệnh trên tôm thẻ

Việt Nam ngày càng tham gia nhiều FTA. Đến nay, Việt Nam đã đàm phán 16 FTA, trong đó có 10 FTA đang thực thi, qua đó tạo ra một khu vực thị trường rộng lớn cho hàng hóa nông sản của Việt Nam có cơ hội được tiếp cận và thâm nhập tốt hơn. Theo Bộ Công Thương, thực tế cho thấy, nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập mới, ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn, điển hình là với sự tham gia Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam-EU (EVFTA). Bên cạnh yếu tố nổi cộm về mở rộng thị trường XK với các mặt hàng chiến lược hay cơ hội NK đa đạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp..., một trong những cơ hội lớn cho nông nghiệp Việt Nam là thu hút đầu tư.

Bộ Công Thương phân tích, việc thực hiện các cam kết trong CPTPP và EVFTA như đầu tư, DN nhà nước, mua sắm công... sẽ tạo áp lực để Việt Nam cải thiện năng lực quản trị, môi trường kinh doanh, các quy trình thủ tục trong nước, các điều kiện về thương mại và hậu cần..., từ đó mở ra cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt vào các lĩnh vực mà Việt Nam còn yếu kém như công nghệ cao trong nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản (gạo, cà phê). Thêm vào đó, các nhà đầu tư không chỉ từ khu vực CPTPP, EU mà còn từ các nước ngoại khối cũng sẽ có động cơ đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế là thành viên của Việt Nam nhằm tiếp cận và mở rộng các thị trường trong khối.

"Hoạt động đầu tư xuyên quốc gia sẽ đi kèm với khoa học công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng lao động. Khi có đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, điều quan trọng nhất là nền nông nghiệp Việt Nam sẽ hấp thụ được khoa học kỹ thuật mới, thay đổi được cách làm truyền thống, nâng cao hiệu quả", đại diện Bộ Công Thương cho hay. Tag: nuôi tôm biofloc

Liên quan tới vấn đề này, ông Ngô Chung Khanh-Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đưa ra dẫn chứng: Thực tế hiện nay, nhằm tận dụng các FTA, nhiều công ty Nhật Bản đến Việt Nam đầu tư làm nông nghiệp ngày càng nhiều. Sau đó, các DN này lại XK hàng hóa trở lại chính quốc. Ví dụ như, DN Nhật Bản đầu tư trồng gừng, bưởi, chăn nuôi gà ở Nghệ An; trồng rau quả sạch tại Lâm Đồng…

Ở một góc độ khác, Bộ Công Thương chỉ ra: Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng nói chung, việc tham gia CPTPP và EVFTA nói riêng thậm chí còn mở ra cơ hội đa dạng hóa các thị trường đầu tư tiềm năng ở nước ngoài cho DN Việt Nam. Một mặt, DN Việt có thể tránh các rào cản phi thương mại của các nước NK, mặt khác có thể đầu tư vào các ngành mà Việt Nam không có lợi thế nhưng lại là lợi thế của các nước để sản xuất hàng hóa cung cấp trở lại cho thị trường Việt Nam và XK sang các nước khác. Ví dụ điển hình như đầu tư tại Australia và New Zealand (mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa, bò thịt, thuộc da, gỗ...); Hoa Kỳ (bông, chăn nuôi)...

Cần Luật Khuyến khích DN đầu tư nông nghiệp

Cơ hội thu hút đầu tư nội địa hay DN Việt "vươn tay" đầu tư nông nghiệp ở nước ngoài đã hiển hiện khá rõ. Tuy nhiên, khó khăn, bất cập trong quá trình hiện thực hóa đầu tư cũng không ít. Tag: bệnh trên tôm thẻ

Theo Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Hiện nay, hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư nông nghiệp, nông thông còn chưa đồng bộ, hiệu quả. Số lượng DN chỉ chiếm khoảng 8% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước. Các nghị định như: Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa triển khai mạnh được vì bị hạn chế bởi các luật chuyên ngành và thiếu hụt nguồn lực. Các cơ chế về khuyến khích xã hội hóa chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, việc cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, môi trường đầu tư lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn đánh giá là thiếu hấp dẫn, không chỉ vì các yếu tố rủi ro của sản xuất nông nghiệp mà còn do thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, đặc biệt là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Ông Đinh Ngọc Minh-Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu rõ: Nhằm tiếp tục thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, xác định DN đóng vai trò "bà đỡ" để đưa công nghệ, quản lý, vốn và thị trường vào sản xuất nông nghiệp, Trung ương cần cho chủ trương để xây dựng Luật Khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Hiện tuy đã có Nghị định 57/2018/NĐ-CP tuy nhiên vướng các Luật về thuế, Luật Đất đai không thể tháo gỡ nên bị nhiều giới hạn). Cũng theo ông Minh, cần rà soát lại chính sách đất đai, thay đổi quan điểm về an ninh lương thực, tính lại diện tích đất lúa cần giữ và sử dụng linh hoạt để nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế; đồng thời xây dựng Luật nông dân cho thuê đất nông nghiệp để đảm bảo việc tích tụ đất cho sản xuất quy mô lớn, đồng thời đảm bảo quyền "người cày có ruộng".

Xung quanh câu chuyện thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho hay: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung các luật liên quan đến hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như Luật Đất đai, Luật Công nghệ cao, Pháp lệnh quản lý thị trường, Luật Quy hoạch... để tạo điều kiện phát triển một nền nông nghiệp sản xuất lớn theo hướng liên kết, ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu, triển khai các giải pháp thu hút nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đồng thời có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân và tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn này...

Nguồn: baohaiquan.vn/pages/rong-cua-dau-tu-trong-nong-nghiep-khi-hoi-nhap-sau.aspx