Đậu nành là loại thực phẩm không hề xa lạ trong cuộc sống. Đậu nành được chứng minh là có tác động tích cực tới sức khỏe tim mạch, ổn định cholesterol trong máu và giảm nguy cơ béo phì.

Ngày nay, khi con người quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, đến các loại thực phẩm sạch mà ít tinh bột nhưng lại giàu protein, đảm bảo năng lượng cho cuộc sống thì sữa đậu nành là sự lựa chọn hàng đầu. Do đó, trong bài viết này, Lawkey đưa ra tư vấn về điều kiện sản xuất sữa đậu nành.

1. Điều kiện sản xuất
Cơ sở sản xuất phải có Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (sau đây gọi tắt là GCN) khi hoạt động. Để được cấp GCN, cơ sở sản xuất phải đáp ứng được các điều kiện sau:

1.1. Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP):
a) Có địa điểm, diện tích thích hợp. Có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm;
Thực phẩm, đặc biệt đối với sữa là những sản phẩm nhạy cảm, được con người sử dụng thông qua đường ăn uống. Do đó, mọi điều kiện từ địa điểm sản xuất phải đảm bảo có sự cách biệt an toàn đối với các yếu tố độc hại.

b) Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
Tiêu chuẩn mẫu nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về chất lượng nước sinh hoạt số 02:2009/BYT.

c) Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại;
d) Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên;
Việc xử lý chất thải cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Bên cạnh những tác động của nó đối với môi trường, chất thải cũng là một nguồn yếu tố độc hại thường trực gây hại đến thực phẩm sản xuất tại cơ sở. Do đó, cơ sở phải có hệ thống xử lý chất thải vận hành thường xuyên.

đ) Duy trì các điều kiện bảo đảm ATTP; lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm; lưu giữ các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất;
e) Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất thực phẩm.
Người đứng đầu cơ sở và những người trực tiếp sản xuất sữa tại cơ sở phải đáp ứng điều kiện về sức khỏe. Khi xin GCN, những người này phải hoàn thành nghĩa vụ chứng minh đạt yêu cầu về sức khỏe, kiến thức và thực hành theo quy định của pháp luật.

1.2. Có đăng ký ngành, nghề về sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
2. Cơ quan quản lý cấp phép
Việc cấp, thu hồi GCN đối với cơ sở sản xuất sữa đậu nành thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương. Cơ quan, đơn vị có đủ điều kiện, năng lực kỹ thuật thực hiện việc xem xét, đánh giá và xác nhận sự phù hợp của sản phẩm với các quy định, quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn tương ứng về an toàn thực phẩm được Bộ Công Thương giao hoặc chỉ định thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất.