Nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung tại Huệ Châu thu hẹp kinh doanh và có thể sẽ đóng cửa.

Vào thời kỳ hoàng kim, khu phức hợp ở Huệ Châu là nhà máy lớn nhất của Samsung tại Trung Quốc, sản xuất một phần năm số smartphone được bán tại thị trường này năm 2011. Hiện các cửa hàng và cơ sở kinh doanh xung quanh đây trở nên im ắng. Một thông báo được đăng trên cổng nhà máy từ 28/2 cho biết công ty ngừng tuyển dụnglao động.

Công nhân ở Samsung Huệ Châu nói đã nhận được khoản trợ cấp thất nghiệp. Những người dân địa phương, đối tác cung ứng và các lao động khác cũng gần như thừa nhận nhà máy này sẽ đóng cửa bởi các hoạt động như tháo dỡ bớt các bộ chữ tòa nhà của họ

Sự thay đổi của Samsung làm tăng mối lo ngại về tương lai kinh tế của Trung Quốc cũng như vai trò của quốc gia này trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là khi Washington đang tiến hành cuộc chiến tranh thương mại chống lại Bắc Kinh.

Samsung chịu trách nhiệm cho việc đánh mất thị phần ở Trung Quốc, nhưng việc họ đóng cửa nhà máy tại đây và mở rộng sản xuất ở Việt Nam, Ấn Độ dấy lên lo ngại cho một quốc gia có tiềm năng xuất khẩu lớn trên con đường trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, Ấn Độ và thậm chí cả châu Phi diễn ra ít nhất một thập kỷ qua do chi phí lao động và mặt bằng tăng, thuế cao cũng như suy thoái kinh tế. Quá trình này tăng tốc đáng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan đối với các sản phẩm Trung Quốc gần một năm trước.

Foxconn, nhà lắp ráp iPhone và iPad lớn nhất, sử dụng khoảng một triệu lao động Trung Quốc nhưng nói họ có khả năng sản xuất bên ngoài Trung Quốc, đáp ứng tất cả các nhu cầu sản xuất của Apple cho thị trường Mỹ, nếu cần.

Kế hoạch rời khỏi Trung Quốc của Samsung, cộng với thông tin một số công ty công nghệ Mỹ như Cisco và Oracle dự định giảm sản xuất ở Trung Quốc, có thể tác động lớn đến sự ổn định kinh tế và việc làm cũng như vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, theo các nhà phân tích.

"Samsung là doanh nghiệp sản xuất hàng đầu thế giới và nếu sản xuất của họ bị giảm hoặc rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc, ít nhất 100 nhà cung ứng ở Quảng Đông sẽ phải đóng cửa", Liu Kaiming, người đứng đầu Viện Quan sát Đương đại, đơn vị giám sát điều kiện làm việc của hàng trăm nhà máy ở Trung Quốc, nhận định.

Nhưng với công nhân ở Huệ Châu, việc Samsung đóng cửa nhà máy không chỉ báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên sản xuất ở Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới từng cá nhân. Một chủ kinh doanh địa ốc ở địa phương nhớ lại làn sóng sa thải trước đây, trong đó hàng trăm công nhân Samsung được bồi thường từ 10.000 yuan tới 100.000 yuan (khoảng 34-340 triệu đồng), tùy số năm công tác.

Steve Huang, một kỹ sư làm việc cho nhà máy được 17 năm, nói số lượng công nhân của nhà máy đã giảm còn 4.000 người, trong khi năm 2013 là 9.000 người - giai đoạn Samsung dẫn đầu ở Trung Quốc với 20% thị phần. Năm ngoái, thị phần của Samsung ở đây giảm còn 1% trước sự cạnh tranh của các thương hiệu nội địa như Huawei, Xiaomi và Oppo.

"Đèn đường ở đây được trang trí với các biển quảng cáo bắt mắt của Samsung, nhưng bây giờ tất cả đã biến mất", Huang nói.
Bảo Anh (theo Inkstonenews