Hiện nay, Phật giáo đã lan dần tới các quốc gia phương Tây và để lại ấn tượng mạnh mẽ cho nền văn hóa này. Điều gì khiến đạo Phật có một sức sống và lan tỏa mạnh mẽ như vậy. Theo chúng tôi, để làm điều đó, đạo Phật có ít nhất những đặc điểm nổi bật sau. Tiếp theo đây là Phần 2 của " 7 Điều làm nên sự khác biệt của Đạo Phật". Mong đem lại nhiều kiến thức cũng như thông điệp ý nghĩa cho mọi người.

5. Khơi mở tình thương

Sở dĩ đạo Phật tồn tại và ngày càng tiến sâu vào đời sống con người là vì đạo Phật luôn luôn xem tình thương là yếu tố căn bản kết nối con người với con người, con người với thế giới xung quanh. Thiếu tình thương đạo Phật sẽ mất đi sức sống vốn có của nó. Trong đạo Phật từ bi hay tình thương được xem là bốn phẩm chất cao thượng[2] mà bất kỳ ai muốn thể hiện trọn vẹn đời sống giác ngộ, giải thoát cũng phải hoàn thiện nó. Nói cách khác, thiếu các phẩm chất này, hành giả chưa được xem là con người cao thượng hay còn gọi là các bậc thánh nhân.

Trong đạo Phật, tình thương được dịch từ khái niệm từ bi, một khái niệm kép với nội hàm là sự thương yêu đưa tới một đời sống đạo đức cao đẹp. Tình thương không đưa tới một đời sống đạo đức cao đẹp thì không phải là tình thương mà đạo Phật nói đến. Tình thương mà đạo Phật khơi mở nơi con người là tình thương gắn liền với hành động thiết thực, nhằm nâng đỡ con người, hướng con người đến sự thực tập con đường đưa tới an lạc, hạnh phúc đích thực, ngoài ra không còn mục tiêu nào khác. Khái quát ý nghĩa này, Hòa thượng Piyadassi nói:

Tình thương là một sức mạnh tích cực. Mỗi hành động của tình thương thể hiện với một tâm ý trong sạch để nâng đỡ, cứu trợ, khích lệ, giúp người khác tiến bước dễ dàng, êm ái và thích nghi hơn cho việc chiến thằng phiền não, đạt hạnh phúc tối thượng.”




Xem thêm: => Mẫu Tranh Phật Giáo Treo Tường Đẹp Và Ý Nghĩa Nhất.


Đó là tình thương đích thực của đạo Phật. Để có tình thương đích thực đó, đạo Phật cho rằng cần phải có trí tuệ soi sáng. Tình thương không có trí tuệ là thứ tình thương mù quáng, gắn liền với bất hạnh, khổ đau. Trong đạo Phật, người ta thường ví tình thương theo nghĩa Phật học với tình thương của người mẹ. Đó là một cách ví von mang tính tượng trưng. Tình thương trong đạo Phật, thậm chí còn cao cả hơn tình thương của một người mẹ dành cho con. Bởi vì tình thương mẹ dành cho con, mặc dù rất thiêng liêng, cao cả, nhưng suy cho cùng, xuất phát từ ái, một yếu tố gắn liền với bất hạnh khổ đau. Trong khi tình thương trong đạo Phật là thứ tình thương tươi mát, không gắn liền với ái, mà đưa tới trạng thái tâm hỷ lạc.

Không chỉ có tình thương với con người, đạo Phật còn hướng tình thương con người tới thế giới xung quanh. Vì bản chất của tồn tại là duyên sanh, là tương tác đa chiều giữa con người và thế giới. Do đó dành tình thương cho thế giới xung quanh cũng chính là dành tình thương cho con người. Và đó cũng chính là sự biểu hiện sâu sắc nhất nội hàm tình thương của đạo Phật trong tương quan với trí tuệ như là yếu tố soi sáng, dẫn đường.

6. Cung cấp nền tảng căn bản đạo đức thuần khiết cho con người

Đây là điểm nổi bật của đạo Phật. Khái niệm đạo đức thuần khiết bao hàm những giá trị mang tính lành mạnh, trong sáng và hướng tới viễn ly đời sống nhiễm ô, thiết lập đời sống phạm hạnh. Chính vì vậy, không thể chỉ xem đạo đức của đạo Phật là một hệ thống các giá trị luân lý. Trong ý nghĩa bao hàm cả luân lý, đạo đức Phật giáo còn hướng tới giá trị giải thoát. Nếu không hướng tới giá trị này, có thể đạo đức Phật giáo chỉ dừng lại ở ý nghĩa luân lý, vốn là những giá trị thống thường trong hệ thống đạo đức của các tôn giáo khác.

Nội dung của đạo đức Phật giáo có thể tìm thấy ở giới luật. Đó là các nguyên tắc được thiết lập trên nền tảng của tình thương, không mang tính giáo điều mà thể hiện tính tự nguyện của hành giả tu học trong việc hướng tới đời sống lành mạnh, chuẩn mực, thậm chí giác ngộ, giải thoát. Có một điểm đặc biệt trong đạo đức của đạo Phật là không chỉ dừng lại ở việc ngăn cấm người Phật tử không được làm điều xấu ác, mà còn khuyến khích họ nỗ lực thực hiện các việc thiện lành. Ở đây ta có thể lấy Ngũ giới, tức Năm nguyên tắc đạo đức căn bản của người Phật tử làm ví dụ.

Giới thứ 1 không chỉ không được sát hại mà còn nỗ lực bảo hộ sinh mạng mọi loài;

Giới thứ 2 không những không được trộm cắp, mà còn phải tôn trọng sở hữu của người khác.

Giới thứ 3 người Phật tử không được tà dâm mà còn nỗ lực bảo vệ đời sống hạnh phúc của gia đình người khác.

Giới thứ 4 không nói vọng, nỗ lực nói lời chân chánh, hàn gắn, động viên, khích lệ.

Giới thứ 5 không uống rượu và các gây say, ý thức trong việc tiếp nhận thực phẩm, kể cả thức ăn của tâm thức.

Từ phân tích trên cho thấy, điểm thiết yếu của đạo đức Phật giáo là gắn liền với những nỗ lực thực hành hơn là một hệ thống các nguyên tắc tiêu cực chỉ hướng tới việc ngăn cắm. Bởi vì, theo quan điểm của đạo Phật, đạo đức chỉ là phương tiện dẫn đến mục tiêu cuối cùng của hạnh phúc tối thượng, tức đời sống giác ngộ giải thoát. Ở đó, mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm về tất cả các hành vi của mình chứ không phải thụ động chờ đợi một sự ban ơn nào khác từ bên ngoài. Ngay cả đức Phật cũng chỉ là vị thầy chỉ đường, người soi sáng, để mỗi cá nhân tự nỗ lực hướng đến hoàn thiện con đường mà mình đã chọn. Đức Phật trong đạo Phật chưa bao giờ được quan niệm là người sáng tạo và nắm toàn quyền quyết định vận mạng của con người. Giá trị đạo đức tâm linh phải tự con người nỗ lực hoàn thiện, và chỉ có trong ý nghĩa đó, đạo đức Phật giáo mới thực sự thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của nó. Một trong những đoạn kinh nổi tiếng, nói rõ vấn đề này được tìm thấy trong tạng kinh của Phật giáo, trình bày như sau:

“Chớ làm các việc ác

Hãy làm các việc lành

Tự thanh lọc tâm ý

Đó là lời Phật dạy"

Từ nội dung bài kệ trên, có thể khẳng định lại một lần nữa, nền tảng đạo đức căn bản của đạo Phật không chỉ dừng lại ở ý nghĩa luân lý, mà hơn hết, hướng tới mục tiêu thanh lọc tâm ý hay đời sống giác ngộ, giải thoát. Nói cách khác, đạo đức Phật giáo thể hiện rõ nét hai cấp độ giá trị: giá trị luân lý và giá trị vượt thoát khổ đau. Hai cấp độ giá trị đó là điểm nổi bậc của hệ thống đạo đức Phật giáo, và chính nhờ giá trị này, đạo Phật vừa có thể cung cấp cho đời sống xã hội một nền tảng giá trị đạo đức mang tính phổ quát như là phương tiện để hướng tới việc hoàn thiện nhân cách, đồng thời cũng vừa mang đến cho những ai muốn thanh lọc thân tâm, sống một cuộc sống an lạc, hạnh phúc theo định hướng giác ngộ, giải thoát mà đức Phật đã khuyến khích.




Xem thêm: => Tranh Phật Di Lặc mạ vàng, đính đá đẹp.


7. Vì mục tiêu hạnh phúc, an lạc cho cuộc đời

An lạc và hạnh phúc và mục đích cao nhất của con người khi đến với đạo Phật. Tuy nhiên, đạo Phật không chỉ hướng tới đời sống hạnh phúc cá nhân cho một thiểu số mà luôn luôn hướng đến hạnh phúc cộng đồng. Ngay từ khi mới thành lập Tăng đoàn, số lượng các thầy tỳ kheo chưa đông, chỉ khoảng 60 vị, đức Phật đã dạy họ chia nhau mà đi mỗi người một hướng để chia sẻ an lạc, hạnh phúc với cuộc đời:

Này các Tỳ kheo!… hãy lên đường vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người. Các ông hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người một ngả, hãy truyền bá chánh pháp… Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí, hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu, hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác; được vậy, là các ông đã hoàn tất nhiệm vụ”[4].
Ngay cả khi trước khi nhập diệt, đức Phật vẫn không quên dặn dò các đệ tử ra sức truyền bá chánh pháp, vì lợi ích chung của Trời người:



Xem thêm: => Tranh Phật Độ Mạng Cho Tuổi Sửu Và Tuổi Dần - Hư Không Tạng Bồ Tát.


Này các Tỷ-kheo, nay những pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy cho các ngươi, các ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người.”
Điều này cho thấy, không phải chỉ đến Phật giáo Đại thừa, việc thực hiện con đường giác ngộ tự thân và giác ngộ người khác mới trở thành mục tiêu của lý tưởng giác ngộ, giải thoát, mà ngay trong thời kỳ đức Phật còn tại thế, mục tiêu này đã được Tăng đoàn của đức Phật xem là lý tưởng mà các vị ấy phải thực hiện trong đời sống này.

Chính nhờ vào tinh thần này mà ngày nay, đạo Phật đã có mặt khắp nơi trên thế giới. Và như nhà khoa học lỗi lạc, Albert Einstein đã nói, Phật giáo còn tiến xa hơn, sẽ trở thành tôn giáo của tương lai nhân loại.