Người ta thường nhắc đến Hà Giang với những cánh đồng hoa tam giác mạch. Phải đi hết những điểm dưới đây mới thấy được vẻ đẹp tuyệt vời của miền đất địa đầu Tổ quốc.

1. THỊ TRẤN PHÓ BẢNG

Phó Bảng là thị trấn cổ nằm sát nơi biên giới Việt - Trung, thuộc địa phận huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Phó Bảng chỉ cách tuyến đường Yên Minh - Đồng Văn khoảng tầm 5 km. Là một thị trấn miền núi yên bình, không phải du khách nào cũng đều dừng chân lại, vì thế mà Phó Bảng luôn giữ được vẻ nguyên sơ như một thị trấn cổ bị lãng quên.

Phó Bảng đẹp hút hồn với những ngôi nhà nguyên sơ mang dấu ấn kiến trúc của người Hoa cổ. Những mảng tường cũ kỹ, cánh cửa bạc phếch theo thời gian, những em bé trong bộ quần áo cũ nhèm cùng đôi má đỏ ửng... là những ấn tượng đọng lại sâu và lâu đối với những ai đặt chân đến thị trấn cổ này.

2. RỪNG THÔNG YÊN MINH

Chạy qua xã Cán Tỷ, đi qua núi đôi Quảng Bạ khoảng 40 km, qua những cung đường ngoằn nghèo sẽ tới rừng thông Yên Minh, nơi được mệnh danh là Đà Lạt thứ 2 của Việt Nam. Nơi đây, những cây thông vươn cao vút giữa núi đồi rì rào sẽ khiến xao lòng lữ khách.

3. PHỐ CỔ ĐỒNG VĂN

Phố cổ Đồng Văn nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc xung quanh. Khu phố cổ vẻn vẹn 40 nóc nhà nằm xếp vào nhau dưới núi đá là điểm nhấn của miền đất địa đầu Tổ quốc này. Bức tranh phố cổ mỗi sớm là sự pha trộn rất "tình" với màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà xưa vừa trầm mặc, lại đơn sơ, thu hút.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hà Giang 4 ngày 3 đêm khám phá vẻ đẹp núi rừng

4. DINH THỰ VUA MÈO

Hay còn có tên gọi khác là dinh thự họ Vương, nằm trên đỉnh một quả đồi nhỏ thuộc xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Đây là một gia tộc giàu có nhất vùng thời trước. Dinh thự mang kiến trúc độc đáo, ảnh hưởng của ba nền kiến trúc: Trung Quốc, Pháp và của người dân tộc H'Mông. Khu dinh thự này được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia năm 1993.

Toàn bộ dinh thự vua Mèo có diện tích gần 3.000 m2, được khởi công vào năm 1919 và hoàn thành vào 9 năm sau đó tức 1928. Quá trình xây dựng tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng ngày nay.

5. HOÀNG SU PHÌ

Hoàng Su Phì là địa danh nổi tiếng với những ruộng lúa bậc thang chín vàng bát ngát thơ mộng. Khoảng tháng 5 (mùa nước đổ) hoặc tháng 9 (mùa lúa chín) đều là thời điểm tuyệt đẹp để tới đây.

Ngoài cảnh sắc thiên nhiên trời ban, Hoàng Su Phì còn có rất nhiều những lễ hội vùng cao độc đáo như lễ hội Khu cù tê của dân tộc La Chí, Cấp sắc, nhảy lửa, cầu mùa của dân tộc Dao đỏ, Lồng Tồng của dân tộc Tày, cúng rừng của dân tộc Nùng...



6. ĐÈO MÃ PÍ LÈNG

Từ Đồng văn đi Mèo Vạc khoảng 20 km, đèo Mã Pí Lèng nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc. Đây được biết đến là cung đường đẹp nhất vùng cao nguyên đá.

Nếu tới Hà Giang một lần thử được cầm lái chạy xe chênh vênh giữa một bên là núi đá cao ngút trời, một bên là vực sâu thăm thẳm và ngắm nhìn dòng sông Nho Quế uốn lượn như một dải sẽ khiến bạn trải qua những cung bậc cảm xúc tuyệt vời.

7. LŨNG CẨM - SỦNG LÀ

Làng văn hóa Lũng Cẩm thuộc xã Sủng Là huyện Đồng Văn. Ở Sủng Là, nơi nổi tiếng với nhiều cảnh quan hùng vĩ, hoang sơ, có những ngôi nhà trình tường, lợp ngói âm dương nằm sát nhau, là nơi ở của 36 hộ dân tộc Mông, dân tộc Hán. Lũng Cẩm được lấy làm bối cảnh chính cho bộ phim "Chuyện của Pao", ngôi làng mang đậm nét văn hóa của dân tộc Mông.

8. DỐC THẨM MÃ

Dốc Thẩm Mã là con đường đèo uốn lượn nằm trên quốc lộ 4C chạy từ Hà Giang đến huyện Mèo Vạc. Đây là một cung đường quen thuộc cho những người trẻ yêu thích khám phá, thích chinh phục khi đến với mảnh đất địa đầu của Tổ quốc. Con dốc này đưa du khách đến được với cửa ngõ đầu tiên trên mảnh đất Đồng Văn- xã Phố Cáo cũng là một địa danh du lịch nổi tiếng trên khu vực cao nguyên đá.