Vài năm trước đây, nhiều độc giả đã gợi ý cho tôi rằng những bài viết trong Giáo Trình Dẫn Nhập Phật Học (Introductory Course in Buddhism) còn quá ngắn và nên biên tập thêm nhiều chi tiết. Quyển sách “Giáo Trình Phật Học” (Buddhism Course) là ấn bản được nghiên cứu và bổ sung một cách cẩn thận và được xuất bản bởi nhà xuất bản tổng hợp Hồ Chí Minh bao gồm 17 chương nói về hầu hết những đề tài liên quan trong Phật học.




Giáo trình phật học – Chan Khoon San

Phần “Chết và Tái Sinh” mô tả những ‘dạng’ hay những ‘kiểu’ chết và những đối tượng hiện trong tâm trước khi chết, ví dụ như là năm viễn cảnh của một người sắp chết, theo sau là những hình thức tái sinh khác nhau. “Năm Cảnh Giới Tái Sinh” (Pancagati) mô tả chi tiết về 31 cõi Hiện Hữu là đích đến của con người và mọi chúng sinh sau khi chết và tái sinh, theo quan điểm về vũ trụ của Phật Giáo.

“Những Chu Kỳ Thế Giới Khi Những Đức Phật Xuất Hiện” mô tả những điều kiện và sự “hiếm thay” trong “hằng hà sa số” kiếp để thế gian may mắn có được một Đức Phật xuất hiện; cũng như về những Hạnh Ba-la-mật (parami) mà một người có đại nguyện trở thành Phật Duyên Giác (Pacceka Buddha) hay một Đại A-la-hán (Maha Arahant) hay một vị Phật (Buddha) cần phải vượt qua. Và câu hỏi liệu chúa Jesus có phải là một vị Bồ-tát hay không cũng được giải đáp trong chương này.

Phần “Tưởng Niệm Phật, Pháp và Tăng” giảng bày chi tiết về chín Đức Hạnh Vô Thượng của Đức Phật, về Sáu Phẩm Hạnh của Giáo Pháp (Dhamma) và chín Phẩm Hạnh của Tăng Đoàn (Sangha). Sự hiểu biết đúng đắn về Tam Bảo sẽ giúp ích cho việc tu tập “thiền chánh Niệm về Phật, Pháp và Tăng”. Vấn đề về “Giáo Pháp có hiệu lực tức thì hay không?”, một số học giả có quan điểm cho rằng sau khi chứng đạt thức con đường thánh Đạo (magga) thì không nhất thiết phải lập tức chứng ngộ thánh Quả (phala) ngay và điều thứ hai có thể xảy ra sau. Những kết luận đó có thể do diễn dịch sai về những danh từ “Người căn Tín” và “Người căn Trí” trong kinh “Alagaddupama Sutta” thuộc Trung Bộ Kinh. Sự giải thích về vấn đề này cũng được nói ở trong chương này.

Nhiều trang bài viết cũng đã được nhà xuất bản mở rộng ra (so với ấn bản lần đầu) với rất nhiều “Chú Giải” chi tiết, đáng kể là ở những chương I (Cuộc Đời của Đức Phật), chương V (Lý Duyên Khởi Siêu Thế), chương XII (Hồi Hướng Công Đức Cho Những Người Thân Quyến Thuộc), chương XVI (Liệu Có Thể Một Người Chứng Đạt Thức Con Đường Đạo (Magga) Mà Không Chứng Ngộ Thức Đạo Quả (Phala) Trong Lập Tức?) .v.v...

Việc biên tập quyển sách này là sự lao động của Tâm Từ và lòng Hoan Hỷ. Hy vọng rằng quý độc giả sẽ tìm thấy được niềm thú vị khi đọc những trang viết này và những lợi lạc mà chúng có thể mang lại cho quý độc giả. Cuối cùng, tôi xin cảm ơn những cá nhân các hội đoàn khác nhau đã ủng hộ cho việc xuất bản quyển sách này như một Giáo Trình Phật Học giúp nhiều người hiểu biết thêm về lịch sử và học thuyết của Phật giáo.