Quyển Thiền Tông Bản Hạnh do Hoà Thượng Chân Như biên soạn xuất bản bởi nhà xuất bản tổng hợp HCM, kể lại sự tu Thiền ngộ đạo của năm vị Vua đời Trần. Phật giáo đời Trần là ngọn đuốc sáng ngời soi rọi lịch sử Phật giáo đã trên ngàn năm, là do công đức truyền bá ủng hộ Phật Pháp của năm vị Vua đời Trần. Được Hoà Thượng Viện Chủ giảng giải, giúp người dân Việt Nam mọi người thấy được tinh thần độc lập bất khuất của Tổ tiên mình, đồng thời thấy được tâm hồn đạo đức siêu xuất phi phàm của các Ngài.



Mục đích của bản Thiền Tông Bản Hạnh là thuật lại đời tu hành của vua Trần Thái Tông, vua Trần Thánh Tông và ngài Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông hay Trúc Lâm Đại Đầu Đà. Phần sau có nói sơ lược về ngài Pháp Loa và ngài Huyền Quang. Về lịch sử, Thiền sư Chân Nguyên ra đời vào giữa thế kỷ 17 (1647) và tịch đầu thế kỷ 18 (1726) cách đời Trần ngót bốn thế kỷ, nhưng được duyên tốt là Ngài thừa kế trụ trì hai chùa lớn nhất của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử là chùa Quỳnh Lâm và chùa Long Động. Những pho sách của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử hầu hết được cất giữ ở hai nơi đó. Vì có đầy đủ tài liệu để khảo sát, cho nên Ngài có những tác phẩm nói về đời Trần rất đáng tin cậy.

Đến bài Ngộ Đạo Nhân Duyên, ngài Chân Nguyên chỉ cho chúng ta thấy việc ngộ đạo không phải là chuyện khó, không phải tìm kiếm ở đâu mà chính ngay nơi đây chúng ta khéo nhận, khéo đi sâu vào thì liền thấy chớ không có xa, không có cách biệt. Phải thấy ngay nơi sáu căn của chúng ta, căn nào cũng hiển lộ cái chân thật, chớ không phải tìm kiếm ở nơi nào. Chúng ta ngộ rồi thì sẽ siêu thoát hơn tất cả thế gian, không gì bì được. Đó là giá trị của người tu ngộ đạo.