Từ chỗ thuộc diện nghèo, sau bảy năm theo nghề chăn nuôi, chàng thanh niên khuyết tật Hoàng Trọng Hậu đã trở thành doanh nhân, thu lời hàng trăm triệu mỗi năm. Những thành công ấy xuất phát từ ý tưởng đầy sáng tạo về con gà Đông Tảo của anh.


Ở thôn Tam Đa, (xã Tam Đa, huyện Phù Cử, tỉnh Hưng Yên) ai cũng biết anh Hoàng Trọng Hậu là chàng thanh niên gặp nhiều điều không may trong cuộc sống.

Chào đời, anh đã bị gù lưng. Sinh ra ở vùng quê nghèo, chục con gà, dăm con vịt không đủ nuôi gia đình bốn miệng ăn, anh đành mày mò học điện để có thêm thu nhập. Tới khi thành nghề, chẳng may, anh bị ngã trong một lần leo lên nóc nhà hàng xóm sửa điện. Anh đành quay lại với chăn nuôi.

“Nhưng nuôi con gì, khi cả thôn, cả làng đều đã gắn với con gà, con vịt bao đời, mà nào thấy mấy ai thừa ăn thừa mặc?”, anh trăn trở.

“Mối duyên” với gà Đông Tảo

Tìm hiểu, tính toán, cuối cùng anh quyết định “đầu tư” vào con gà Đông Tảo. Thời điểm đó, ở Phù Cử, chưa có ai nuôi giống gà này.

“Đó là năm 2005… Nói là ‘đầu tư’, chứ thực ra là số tiền ít ỏi hai vợ chồng chắt chiu bao năm mang ra làm vốn… Thời gian đầu, chẳng ai tin mô hình gà Đông Tảo của tôi. Họ nghĩ tôi bị tật, vốn ít, kỹ thuật chưa cao, có làm cũng thất bại… Tôi biết, nếu cứ ‘theo đuôi’ người khác thì không bao giờ thành công, phải biết làm khác”, anh Hậu hồi tưởng.

Với suy nghĩ đó, anh bắt tay thực hiện cái kế hoạch, mà theo dân làng là “dở hơi” và “mất thời gian”. Anh sang ở nhà họ hàng tại Đông Tảo suốt mấy tháng. Thời gian đó, anh nghiên cứu kỹ nguồn giống, thức ăn, cách phòng dịch bệnh, nhà cung cấp giống có uy tín. Về Phù Cử, chàng trai nghèo đi mua gà giống, nuôi quây nhốt, phân loại theo khu vực: Gà lấy trứng, gà thịt, gà giống, gà lai…

Thời gian đầu, người tiêu dùng e ngại và ít mua, vì cho rằng giống gà anh nuôi là loại “gà tồ”. Thấy vậy, anh nghĩ ra cách bán “tiếp thị” đầy sáng tạo.

“Tôi bán bằng giá con giống, nghĩa là coi như tôi nuôi không công rồi mang gà thịt ‘trả’ họ. Ngoài ra, tôi còn bao tiêu đầu ra cho những hộ nuôi gà Đông Tảo khác”, anh cắt nghĩa.

Sau khi thử, các lái buôn thấy thịt gà Đông Tảo ngon, giá rẻ nên bắt đầu đặt mua. Thấy được những thành công bước đầu, anh huy động vốn lớn hơn. Tuy nhiên, cả thôn không ai cho anh vay, ngân hàng cũng từ chối, do anh không có tài sản giá trị thế chấp.

“Phải biết làm khác”

Đúng lúc khát vốn, anh biết đến chương trình Tài Chính Vi Mô, một mô hình cho vay tín chấp trả theo tháng của tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision – WV).

Từ vỏn vẹn hai triệu được vay, đàn gà nhà anh đã cho những thành quả khả quan. Trung bình, mỗi ngày anh thu 50 quả trứng và cho ra thành phẩm 30 con gà giống sau khi ấp. Từ đó, thu nhập của anh tăng đáng kể. Việc vay-trả hằng tháng trở nên dễ dàng. Trả xong một đợt, anh lại được vay nhiều hơn. Thêm vào đó, theo định kỳ, WV còn cử các chuyên gia đến hướng dẫn tận tình, nên việc chăn nuôi của anh không còn khó khăn như trước.

“Những năm đầu, để vay được hai, ba triệu, cả nhà tôi phải chắt bóp, dè sẻn từng năm, ba nghìn. Nhưng chính việc phải trả tiền hằng tháng khiến tôi luôn phải vận động tìm cách phát triển kinh doanh, hình thành thói quen tiết kiệm, lập ngân sách chi tiêu cụ thể”, anh chậm rãi kể.

Hệ thống chuồng trại của anh lúc nào cũng sạch sẽ, thoáng mát.

Năm 2012, khi thị trường gà Đông Tảo bắt đầu bão hòa, anh liền chuyển sang nuôi ngan. Khi đó, mô hình nuôi ngan cũng đã được áp dụng nhiều, nhưng cũng chính từ tư tưởng “phải biết làm khác”, anh lại nghĩ ra phương pháp mới. Các gia đình khác nuôi ngan thả, dễ nhiễm bệnh và không vệ sinh, còn anh nuôi trên sàn lưới nhựa cách đất và khép kín, hằng ngày rửa chuồng đều đặn, bảo đảm chất lượng, năng suất, lại phòng bệnh tốt.

Vậy nhưng, những thử thách với anh vẫn chưa hết. Năm 2012, dịch cúm gia cầm bùng phát dữ dội, việc tìm mua con giống khỏe bỗng trở nên khó khăn. Chưa hết, trong một lần đi giao thành phẩm, anh gặp tai nạn, phải nghỉ mấy tuần.

Trước vô vàn khó khăn, anh vẫn không nản chí. Gượng dậy từ giường bệnh, anh bắt tay ngay vào việc. Anh lặn lội tìm mua con giống, tiêm phòng kỹ lưỡng. Xây chuồng xong, anh lại chú ý giữ vệ sinh đúng kế hoạch. Thấy mô hình gà, ngan đã ổn định, anh lại nuôi thêm lợn, rắn phì đen, cá…

Anh thẳng thắn bộc bạch: “Cứ thấy gì sắp thành đại trà, tôi lại nghiên cứu, phát triển mô hình mới. Ngày trước là gà Đông Tảo, còn bây giờ, họ nuôi ngan thịt thì tôi lại nuôi ngan lấy trứng”.

Danh hiệu Doanh nhân vi mô

Vất vả nhiều năm, cuối cùng thành công cũng đến với chàng thanh niên “tàn mà không phế”. Không chỉ tạo ra nguồn thực phẩm mới, an toàn, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm người trong những lúc “gối vụ” hoặc nông nhàn. Ai đến học hỏi phương pháp chăn nuôi, anh đều chỉ dẫn nhiệt tình.

Về công việc kinh doanh, anh Hậu cho biết, trong năm 2010, doanh thu từ mô hình chăn nuôi trang trại của anh đạt 450,9 triệu đồng, trong đó, chỉ tính riêng lợi nhuận, anh đã thu về 223,9 triệu đồng. Năm 2011, trang trại của anh thu lời 247,9 triệu trong số 499,6 triệu đồng tổng doanh thu. Sang năm 2012, dù tình hình kinh tế chung khó khăn, mô hình của anh vẫn tiếp tục cho lãi: 271,8 triệu đồng lợi nhuận/550,5 triệu đồng doanh thu.

Đến nay, sau gần bảy năm làm kinh tế trang trại chăn nuôi, gia đình anh đã thoát nghèo và tự bảo đảm cuộc sống. Hiện nay, không những lo cho các con được đi học đều, anh còn mua bảo hiểm nhân thọ cho mọi thành viên trong gia đình.

Thành công nối tiếp thành công, trước những kết quả đó, cuối tháng 12-2013 vừa qua, anh đã được vinh danh tại lễ trao giải “Doanh nhân vi mô Citi 2013”, một giải thưởng thường niên do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cùng Ngân hàng Citi phối hợp tổ chức.

Chàng trai nghèo khuyết tật đã trở thành một doanh nhân thành đạt.

Nụ cười mãn nguyện của anh trong đêm nhận giải.