Biet Thu Dep

Những ngôi nhà thực ra là các trại nuôi cá basa và các loài cá khác. Khu vực khúc sông này có đến hàng trăm bè cá như vậy, hình thành nên những làng nổi trù phú, một nét đẹp văn hoá độc đáo.

Mỗi chiếc bè như một căn hộ, kết nối nhau trải dài dọc hai bên bờ sông Hậu. Nếu lấy thị xã Châu Đốc làm tâm điểm, thì ngược lên đầu nguồn sông Hậu làng bè trải dài hơn 3 cây số, xuôi trở xuống thì làng bè cũng kéo dài hơn 3 cây số. Rẽ về hướng huyện Châu Phú, làng bè trải dài 4 - 5 cây số, sau đó thưa thớt dần, rồi lại quy tụ đông đúc và dày đặc hơn ở huyện Tân Châu với chiều dài 7 - 8 cây số.

Thời hoàng kim của làng bè là vào những năm 1990 - 2000. Thời đó, số lượng bè cá trên làng bè tăng vọt, từ chỗ chỉ có khoảng 560 chiếc bè năm 1990, chỉ trong mười năm, làng bè Châu Đốc “bùng nổ” với số lượng hơn 4.200 chiếc lớn nhỏ, neo đậu chen kín bờ sông Hậu từ Tân Châu đến tận Long Xuyên. Phần lớn đều nuôi cá ba sa - mặc hàng thủy sản xuất khẩu đang có giá trên thị trường. Nhiều hộ nuôi cá trở thành tỷ phú. Người dân Châu Đốc cứ mãi kể nhau nghe chuyện những ông chủ bè cá xài tiền theo kiểu ngắt khúc không cần đếm, mua canô chạy xé nước sông Hậu để đi nhậu; chồng một chiếc Dream Thái, vợ chiếc Spacy, nhà bè trang bị đầy đủ tiện nghi như một biệt thự cao cấp.
Năm 2003, sau khi thất bại trong vụ kiện bán phá giá cá basa trên thị trường Mỹ, người nuôi cá bè ở Châu Đốc bị thiệt hại nặng nề vì không có đầu ra cho sản phẩm. Sau đó, làng bè chuyển sang nuôi cá tra. Những năm gần đây, cá tra nuôi bè không cạnh tranh lại cá tra nuôi hầm vì mỡ nhiều, tỉ lệ phi lê thấp, chi phí nuôi quá cao, thường bị bệnh chết ồ ạt và bị doanh nghiệp chế biến thu mua với giá thấp hơn giá thành sản xuất 20 - 30%. Nhiều chủ bè lỗ nặng, những tỷ phú oanh liệt ngày nào lâm cảnh chồng chất nợ nần. Hàng loạt nhà bè bị các ngân hàng quản lý, phát mãi đề trừ nợ vay. Làng bè Châu Đốc giờ đây không còn rộn vang tiếng cười, tiếng cá quẫy đuôi đớp mồi như ngày nào nữa.....thay vào đó là tiếng thở dài tiếc nuối về một thời oanh liệt đã qua.
Biet Thu Dep