Ở VN, các DN vẫn cho rằng việc đầu tư vào nông nghiệp có xác suất rủi ro khá cao bởi phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, lượng vốn đầu tư lớn và thu hồi vốn chậm... Vì vậy, họ không muốn mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực này mà chủ yếu tham gia vào các kênh đầu tư mang lại lợi nhuận lớn và thu hồi vốn nhanh (như chứng khoán, bất động sản, dịch vụ...). Do vậy, cách duy nhất là đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thì mới có thể thay đổi bức tranh nông nghiệp lạc hậu và lối tư duy cũ trên.

Các chuyên gia của TH thăm khám cho đàn bò sữa. Thực tế cho thấy, sản phẩm từ nông nghiệp tạo hiệu quả kinh tế cao nhưng vẫn chưa có dự án ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ nào đầu tư vào lĩnh vực này. Theo tôi, để có thể thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cần các yếu tố sau:


Thứ nhất, để áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp nông thôn nhất thiết cần phải có tầng lớp doanh nghiệp có đủ Tâm - Trí - Lực thực sự vào cuộc. Để thu hút họ đầu tư vào lĩnh vực này, Bộ nông nghiệp cần đề xuất với Chính phủ, cần ban hành những chính sách khác biệt trong vòng 3-5 năm để khích lệ doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này.

Thứ hai, phải có chính quyền mạnh, nhận thức đầy đủ về vấn đề nông nghiệp công nghệ cao. Do vậy, cần có những buổi tập huấn, những tham luận chính thống, có những lộ trình có tính chất chiến lược, dưới sự hỗ trợ từ Chính phủ cũng như các bộ chủ quản (Bộ nông nghiệp) để có cách nhìn nhận đúng về cuộc cách mạng công nghệ cao để vào cuộc mạnh mẽ cùng nhà đầu tư. Chính quyền phải xem đưa công nghệ cao vào nông nghiệp là nền kinh tế tri thức.

Thứ ba, khi áp dụng công nghệ cao, phải đủ nguồn lực là đất đai, do đó, chính quyền cần bàn giao cho doanh nghiệp ít nhất 70% đất sạch để thực hiện dự án.

Thứ tư, cần sự kết hợp giữa các bộ ban ngành, nhất là ngành chủ quản như Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, phải có chiến lược truyền thông bài bản, đủ để các nông lâm trường và các tầng lớp nhân dân hiểu đây thực sự là cuộc cách mạng về nông nghiệp của đất nước.

Thứ năm, phải đào tạo lao động chất lượng cao, do đó, cần có chính sách đào tạo lại lao động cho những vùng đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Nếu doanh nghiệp đứng ra đào tạo trực tiếp thì phải có chính sách hỗ trợ kinh phí nhất định cho doanh nghiệp. Phải có chính sách đi kèm giải quyết lao động dư thừa trong quá trình tham gia tích tụ ruộng đất.

Thứ sáu, cần ban hành quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ cao trong nông nghiệp đối với sản phẩm hàng hóa. Khi đã có một mô hình công nghệ cao thành công, thì Bộ chủ quản phải ban hành quy chuẩn, định nghĩa thế nào là sản phẩm từ công nghệ cao. Nếu là sản phẩm về thực phẩm như sữa chẳng hạn, thì có sự phối hợp liên ngành với Bộ Công thương, Bộ Y tế... để quy định và phân biệt thế nào là sạch, thế nào là sữa tươi, thế nào là sữa hoàn nguyên...

Thứ bảy, cần áp dụng nguyên tắc quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm theo chuỗi đối với sản phẩm sản xuất theo quy trình CNC: Tất cả nhãn mác của sản phẩm phải ghi đầy đủ các yếu tố như: xuất xứ đầu vào của nguyên liệu trên bao bì sản phẩm để tránh tranh cãi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần theo dõi sát sao các sản phẩm công nghệ cao, từ nguồn nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất và cho đến lúc sản phẩm được đưa vào lưu thông trên thị trường và sẵn sàng cùng DN phối hợp giải thích để người tiêu dùng hiểu sản phẩm.

Theo: tin tức nông nghiệp