Trong những loại tài sản có giá trị cao được bọn tội phạm "để mắt tới" là xe ô tô cho thuê tự lái, dù được quản lý khá chặt chẽ nhưng vẫn có nhiều kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng đem cầm cố nhiều lần, bán cho nhiều người, gây bất ổn cho các giao dịch.
Những nạn nhân… nông dân

Cách đây chưa lâu, dư luận khá bàng hoàng trước vụ việc hàng chục hộ dân xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội đua nhau bán đất nông nghiệp, vay mượn ngân hàng, rủ họ hàng người thân hùn tiền tỷ nhận cầm cố nhiều ô tô các loại hòng kiếm lãi suất cao. Nhưng mối lương duyên mang đậm chất tín dụng đen này cũng chỉ kéo dài một thời gian rất ngắn. Sau khi trả 1-2 tháng tiền lãi với lãi suất cao, người đem xe đến cắm mất hút, người dân ở lại nguy cơ rơi vào vòng lao lý vì nhận cầm cố phải xe tang vật các vụ lừa đảo ô tô tự lái.

Câu chuyện những chiếc xe gian ở Tiến Xuân chỉ bị vỡ lở khi con trai ông Đinh Công Cảnh (57 tuổi) ở xóm Gò Chói 2, xã Tiến Xuân hứng chí lái một chiếc Honda Civic cầm cố ra phố huyện chơi. Đang ngồi với đám bạn trong hàng nước anh này nghe tiếng chíu chíu báo hiệu cửa xe Civic đã mở, một số người lạ mặt chui vào và nổ máy chạy vụt đi. Tá hỏa, cả đám thanh niên ngồi hàng quán vội lao ra chặn đầu để "khổ chủ" giành chiếc xe mà cả hai bên đều nói đó là xe của mình.
Đến giờ ông Đinh Công Cảnh còn ấm ức lắm vì vừa mất tiền oan lại tự dưng mang thêm cái tiếng tiêu thụ của gian, ông cũng đã nhiều lần viết đơn, thư gửi các cấp chính quyền quyết làm cho ra nhẽ. Ông Cảnh cho biết, đã bỏ ra hơn 2 tỷ đồng để nhận cầm cố 5 xe ô tô từ khoảng tháng 9-2010. Người môi giới cho ông Cảnh tham gia vào việc làm ăn theo kiểu tín dụng đen này là anh Nguyễn Trọng Hoàn, giáo viên cấp 3 của huyện Thạch Thất, người cùng xóm. Ông Cảnh xác nhận, sau khi biết gia đình vừa bán mảnh đất được hơn một tỷ đồng, anh Hoàn đã sang nhà đề nghị có tiền thì cho doanh nghiệp vận tải ô tô ở huyện Từ Liêm cho vay thế chấp với lãi suất khoảng 2.000 đồng/triệu/ngày và họ sẽ thế chấp tài sản bằng ô tô. Nói là làm, mấy hôm sau, anh Hoàn trực tiếp đưa 5 xe ô tô đến tận sân nhà ông Cảnh, khi cầm hợp đồng vay tiền có tín chấp tài sản là ô tô, ông Cảnh tin tưởng mới giao 2,4 tỷ đồng. Hợp đồng vay mượn thế chấp có chữ ký đóng dấu của một người tên Nguyễn Quang Tuyến, Giám đốc (GĐ) Công ty cổ phần Vận tải xây dựng công trình giao thông Hà Nội (trụ sở tại đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy) đàng hoàng. Theo nội dung hợp đồng, gia đình ông Cảnh cho vay thế chấp 400 triệu đồng, đổi lại ông Tuyến thế chấp một chiếc ô tô Honda Civic, biển kiểm soát 30P-8743. Hợp đồng cũng nêu rõ chiếc xe hoàn toàn hợp pháp, nếu sai, công ty chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trưởng Công an xã Tiến Xuân, ông Kiều Lương Thiện cho biết thêm: "Có khoảng 70 xe ô tô các loại được một số người mang về xã tự cầm cố trong dân. Phần lớn xe mang về cầm cố đều đắt tiền. Việc cầm cố xe bùng phát vào cuối năm 2010, dù đã nhiều lần được nhắc nhở người dân đề phòng nhưng do hám lời không mấy người nghe. Đến khi xuất hiện những nhóm người lạ về xã chặn đòi xe, xảy ra không ít vụ xô xát, người dân mới có đơn thư trình báo nhờ chính quyền giúp đỡ.
Ngăn chặn loại hình tội phạm mới

Không chỉ người dân, mà ngay cả ông Bùi Văn Tình, Bí thư Đảng ủy xã Tiến Xuân cũng dính bẫy của các đối tượng lừa đảo. Gia đình ông Tình bỏ ra 600 triệu đồng để cầm cố chiếc Toyota Altis còn rất mới. Tuy nhiên đúng sáng mùng 5 Tết Tân Mão, khi ông Tình đem xe để ngoài cổng trụ sở UBND xã, quay ra chiếc xe đã biến mất. Công an xã nhanh chóng vào cuộc tá hỏa đi tìm đồng thời thông báo các chốt CSGT và Công an huyện Thạch Thất. Sau mấy ngày, cơ quan này mới được biết, chiếc xe này đã bị một chủ cũ ở Hà Nội có chìa khóa dự phòng "lái trộm" về trụ sở công an (CA) quận Hai Bà Trưng, chờ giải quyết tranh chấp theo đúng trình tự pháp luật.

Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng đã làm rõ không chỉ tại xã Tiến Xuân mà xã Yên Bình, huyện Thạch Thất và Đông Xuân, huyện Quốc Oai cũng xảy ra tình trạng dân nhận cầm cố ô tô gian. Qua tài liệu trinh sát, nắm tình hình, CQĐT xác định có gần 200 xe ô tô được cắm đặt tại ba xã trên, hầu hết các xe đều có dấu hiệu lừa đảo ô tô tự lái. Thượng tá Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP cho biết: "CA các quận, huyện đã nhận được nhiều đơn, thư tố giác của một số công ty, đơn vị cho thuê ô tô tự lái về việc một số khách hàng thuê xe quá hạn đã lâu không trả. Sau một thời gian truy tìm tung tích, cơ quan CA đã phát hiện gần 70 ô tô có dấu hiệu lừa đảo đang được cầm cố tại 45 hộ dân ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, xã nằm sâu trong thung lũng, bao quanh là núi. Trong đó, có một số xe là tang vật của các vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Kết quả điều tra bước đầu, CQĐT xác định các đối tượng Nguyễn Quang Tuyến (SN 1973) ở Mỹ Đình, GĐ Công ty cổ phần Vận tải công trình giao thông Hà Nội; Phùng Xuân Tuân (SN 1989, Phó GĐ Công ty cổ phần Vận tải công trình giao thông Hà Nội; Nguyễn Năng Chiến (SN 1977) ở Dương Nội, Hà Đông, GĐ Công ty TNHH Hùng Trường đã thuê hàng chục xe ô tô tự lái tại các công ty rồi đem tới xã Tiến Xuân, thông qua một số người dân bản địa để lừa “cắm” cho dân, lấy tiền. Hiện cả ba đối tượng đều đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Liên quan tới các vụ án lừa đảo ô tô, CA quận Cầu Giấy đã khởi tố bị can đối với Trịnh Lan Hương, Giám đốc công ty TNHH Hoa Trịnh Gia để điều tra về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bị can này đã lấy danh nghĩa công ty để thuê 18 chiếc ô tô trị giá hơn 10 tỷ đồng, sau đó cầm cố hoặc bán cho nhiều người.
Nguyễn Trọng Hoàn (SN 1976) ở xã Tiến Xuân, người từng "môi giới" cho nhiều hoạt động tín dụng đen ở địa phương cũng được triệu tập lên CQĐT để làm rõ. Từ tháng 10-2010, Hoàn nhận cầm của Nguyễn Quang Tuyến 2 ô tô với số tiền 850 triệu đồng. Sau đó được Tuyến trả cho một tháng tiền lãi với lãi suất 2.000 đồng/triệu/ngày. Ngoài ra, Hoàn còn giới thiệu cho 3 người khác cầm cố 3 ô tô với số tiền 550 triệu đồng, trong đó có 2 xe đã bị công an thu giữ. Ngoài ra, cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ thêm Nghiêm Xuân Bằng (SN 1982) ở thôn Chùa 1, xã Tiến Xuân, nhân viên của công ty do Nguyễn Quang Tuyến làm giám đốc) đã nhận đặt hộ Phó Giám đốc Phùng Xuân Tuân 3 xe ô tô. Sau khi cầm gần 1,5 tỷ đồng từ 5 hộ dân nhận cầm xe, Bằng đưa lại cho Tuân và được hưởng 200 ngàn đồng tiền môi giới mỗi xe. Trong số này, có một xe đã bị công an thu giữ. Còn Nguyễn Khắc Lâm (SN 1965, thôn Gò Chói 1, xã Tiến Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và du lịch thương mại Phương Lâm) khai: Từ tháng 9-2010, Lâm cùng góp vốn với Nguyễn Năng Chiến. Sau khi Chiến đưa cho 13 xe ô tô, Lâm đã đem đi cầm cố trong dân được 12 xe, thu về gần 5,8 tỷ đồng đưa cho Chiến. Mỗi lần cầm cố xe, Chiến chia cho Lâm một triệu đồng… Tất cả những vụ việc trên đang được cơ quan chức năng củng cố hồ sơ chờ công bố kết luận cuối cùng trong thời gian tới.

Thượng tá Nguyễn Văn Tính cho biết, ngay sau khi khởi tố điều tra hàng loạt vụ án "lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản", Ban GĐ CATP đồng thời ký quyết định thành lập tổ công tác, trực tiếp chỉ đạo điều tra các vụ lừa đảo ô tô tự lái. Khi tổ công tác về làm việc với Đảng ủy, UBND, Công an xã Tiến Xuân, chính quyền địa phương và người dân rất ủng hộ. Chính quyền địa phương đã nhanh chóng giúp đỡ CQĐT thu giữ nhiều xe tang vật. Những vụ án vừa qua là lời cảnh tỉnh cho những ai còn hám lời lao vào tiếp tay cho tội phạm tiêu thụ của gian để rồi "tiền mất, tật mang".

Theo Hà Nội Mới