Cần kiểm soát đường huyết cho thai phụ tối thiểu mỗi tháng một – hai lần trong 6 tháng đầu của thai kỳ.

Ai cũng rõ thai phụ cần được cung cấp nhiều dưỡng chất trong suốt giai đoạn 9 tháng mang thai. Bên cạnh chất đạm và chất béo rất cần thiết cho sự tăng trưởng bình thường của thai nhi, thai phụ cần được cung cấp đủ các dưỡng chất khác như canxi, sắt, vitamin A, acid folic…. Trong suốt thai kỳ để vừa tránh trục trặc khi lâm bồn, vừa bảo đảm điều kiện phát triển tối ưu cho hệ miễn nhiễm và các giác quan của thai nhi. Thai phụ vì thế cần ăn nhiều hơn bình thường nhưng cần lưu ý không nên ăn quá nhiều đường. Điều sai lầm này nhiều thai phụ thường mắc phải, bởi họ thèm ăn ngọt trong lúc ốm nghén.
Thai phụ cần tránh tăng cân đến ngưỡng béo phì vì điều đó sẽ gây nhiều khó khăn khi khai hoa nở nhụy. Nói chung, thai phụ cần ăn sao cho đủ nhưng đừng tăng hơn 1 kg mỗi tháng trong 6 tháng đầu, đừng hơn 500 g mỗi tuần trong 3 tháng cuối. Thêm vào đó, bà bầu cũng không nên ăn quá ngọt nhằm phòng tránh tình trạng thai nhi béo phì ngay từ trong bụng mẹ.
Chính vì thế, cần kiểm soát đường huyết cho thai phụ, tối thiểu mỗi tháng một – hai lần trong 6 tháng đầu của thai kỳ.
Theo dõi đường huyết chặt chẽ bằng máy đo đường huyết tại nhà



bà bầu kiểm tra đường huyết


Hiện có nhiều thai phụ chưa được theo dõi đường huyết chặt chẽ, đặc biệt là những thai phụ chỉ khám thai định kỳ ở phòng mạch tư mà không chịu đến bệnh viện do ngại chờ đợi. Việc kiểm soát và theo dõi đường huyết, chế độ dinh dưỡng và cân nặng ở thai phụ rất quan trọng. Qua ghi nhận thực tế những trường hợp đái tháo đường thai kỳ cho biết thường các tai biến chỉ xảy ra nếu đường huyết của thai phụ không được ổn định hoặc bệnh nhân đã có các biến chứng trước khi có thai. Các biến chứng của bệnh đái tháo đường ở thai phụ có thể giảm hoặc không xuất hiện nếu thai phụ được quản lý tốt. Do đó, những trường hợp đái tháo đường thai kỳ cần được phối hợp chăm sóc toàn diện bởi bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa đái tháo đường, bác sĩ sản phụ khoa và cả bác sĩ chuyên khoa bệnh lý sơ sinh.
Thai phụ nên kiểm soát đường huyết toàn phần lúc đói dưới 95 mg/dL và đường huyết toàn phần 1 giờ sau bữa ăn dưới 140 mg/dL và 2 giờ sau ăn dưới 120 mg/dL. Tuy nhiên, không nên quá lo lắng mà để đường huyết lúc đói thấp hơn 60 mg/dL. Nếu có điều kiện, bệnh nhân nên có một máy đo đường huyết tại nhà và liên hệ với bác sĩ khi có những thay đổi bất thường ở đường huyết. Thai phụ tiểu đường có thể theo dõi đường huyết vào lúc đói, sau khi ăn từ 1-2 giờ và một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ.