Thống kê của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho biết: khoảng 20% dân số thế giới bị căng thẳng quá mức trong công việc. Còn tại VN, theo nghiên cứu, tỷ lệ bình quân người bị stress trên cả nước là hơn 52%! Đặc biệt tại các khu công nghiệp, 71% công nhân có biểu hiện stress.

Stress là gì?
Theo BS. Nguyễn Minh Tiến (Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục TP.HCM): “Stress là một đáp ứng tích hợp sinh học – tâm lý – xã hội với những sự kiện được xem là có hại và đòi hỏi những kỹ năng ứng phó của đương sự.”


Một số nguyên nhân chính dẫn đến stress

+ Biến động công việc: Nơi bạn làm việc đang trong quá trình tái cơ cấu với một đống công việc ngập đầu và bạn không biết mình đang ở đâu trong bức tranh mới còn hỗn độn; giảm biên chế; bạn có sếp mới … đều là những sự kiện có thể khiến bạn căng thẳng quá mức.

+ Môi trường làm việc căng thẳng: Lượng công việc quá tải, bạn phải làm thêm giờ, lãnh đạo của bạn khó tính và khe khắt trong công việc, bạn thiếu kết nối với các đồng nghiệp và thậm chí một số đồng nghiệp của bạn tỏ ra kém thân thiện… là các vấn đề tiềm tàng đưa đến stress.

+ Bạn là người mới trong công ty: Đối với người mới đi làm và người thuyên chuyển công tác, thật lo âu và mệt mỏi khi còn lạ lẫm với mọi thứ và chưa hòa nhập được vào văn hóa công sở.

+ Chán ghét điều mình đang phải làm: Có thể công việc bạn được giao hay vị trí bạn đang giữ trong công ty không phải là điều bạn thực sự mong muốn, đôi khi nó làm bạn phát ngấy lên được, lúc này niềm hứng khởi làm việc của bạn ở mức 0. Hoặc giả trong công việc tồn tại một số điểm bất hợp lý, chế độ lương thưởng chưa thật đúng với khả năng và bạn lại thiếu tương tác với cấp trên để giải quyết vấn đề.

+ Tự tạo áp lực: Bạn quá cầu toàn nên không bao giờ vừa ý với những gì mình làm dù thời hạn tiến hành công việc sắp hết/sếp yêu cầu bạn báo cáo; hay vì tâm lý tự ti, không đánh giá đúng năng lực bản thân mà bạn cho là công việc vượt quá khả năng và hoang mang lo lắng rằng mình không thể hoàn thành tốt.

+ Vấn đề tuổi tác: Theo nhiều nghiên cứu, những người có thâm niên lâu năm trong công việc dễ mắc stress hơn người có tuổi nghề trẻ.


Tác hại của stress đến sức khỏe và cuộc sống của bạn


Stress gây tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần.Cơ thể bạn có thể gặp đủ loại rắc rối với stress: Nhẹ nhất, bạn có thể bị các vấn đề về tiêu hóa, cân nặng, nghiêm trọng hơn là suy nhược kinh niên dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch, cơ thể bạn lúc này yếu ớt và “mở cửa” cho nhiều chứng bệnh nguy hiểm: Nhồi máu cơ tim, ung thư, đột quỵ, tiểu đường, teo não, sa sút trí tuệ… Tệ nhất, căng thẳng quá mức trong thời gian dài là một trong những lý do chính dẫn đến đột quỵ và chết sớm.

Chịu đựng stress, bạn sẽ phải đối mặt với những vấn đề tâm lý như: Chai lì cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực trong công việc và cuộc sống, trầm cảm, thậm chí với những trường hợp stress nặng, cá nhân thấy hiện tại và tương lai phủ trùm một màu đen tối, bế tắc không lối thoát và tìm đến cái chết.

Đồng thời với những tác hại trên, stress còn gây ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ cá nhân của bạn. Việc bạn luôn đặt công việc lên trên hết, hoặc luôn tỏ ra căng thẳng, cộc cằn, bất mãn sẽ khiến chẳng ai muốn đến gần bạn nữa.


Bạn có bị stress hay không ?

Bạn có các dấu hiệu nào sau đây:

1.Công việc không còn thách thức bạn như trước
2.Gần như không tự chủ công việc hàng ngày của mình
3.Sự lãnh đạm đã thay thế sự nhiệt tình
4.Luôn lo lắng về áp lực thời gian
5.Đến sở làm trễ và tranh thủ về sớm
6.Trì hoãn công việc cho đến phút cuối
7.Không hài lòng với công việc
8.Mất thiện cảm với cấp trên
9.Hoài nghi về kết quả công việc vừa làm
10.Các đồng nghiệp luôn luôn dè dặt với bạn
11.Kế hoạch làm việc của bạn gây trở ngại cho gia đình, bạn bè
12.Dần cách ly khỏi gia đình, bạn bè
13.Gặp vấn đề về giấc ngủ
14.Hút thuốc, uống rượu và cà phê nhiều hơn trước
15.Mắc chứng hoang tưởng
16.Đề cao những chuyện vụn vặt
17.Nhức đầu, đau nửa đầu, cảm lạnh thường xuyên
18.Thấy mệt lả mọi lúc mọi nơi
19.Nổi nhiều mụn nhọt
20.Có vấn đề về tim mạch

Cách tính điểm:
1 – 5 câu chọn : Bạn có dấu hiệu của sự căng thẳng.
6 – 10 câu chọn : Bạn đang bị stress nhẹ.
11 – 15 câu chọn: Bạn đang trải qua stress khá nghiêm trọng.
16 – 20 câu chọn: Bạn bị stress rất nặng, có thể dẫn đến sa sút trí tuệ... bạn cần đến các bác sỹ chuyên khoa thần kinh để được tư vấn và hỗ trợ.


Một số phương pháp phòng ngừa và chế ngự stress

Chỉ cần áp dụng những cách thức đơn giản bạn cũng có thể tránh khỏi việc stress đến gõ cửa nhà bạn, và chế ngự sự căng thẳng khi nó xuất hiện.

Hãy rèn luyện những thói quen làm việc hiệu quả. Ở đây người viết liệt kê 4 thói quen tốt khi làm việc được nhắc đến trong cuốn sách bán chạy nhất “Quẳng gánh lo đi và vui sống” của Dale-Carnegie:

1. Chỉ để trên bàn những giấy tờ liên quan đến vấn đề phải giải quyết ngay. Hãy thu dọn chiếc bàn làm việc ngồn ngộn giấy tờ, chỉ để lại những tài liệu cần thiết cho những vấn đề cần phải giải quyết ngay. Bạn sẽ thấy mình làm việc dễ dàng và chính xác hơn.

2. Giải quyết mọi việc theo thứ tự quan trọng: Để làm được điều này, hãy liệt kê công việc mình sẽ làm theo thứ tự quan trọng giảm dần trong một kế hoạch được vạch ra thấu đáo. Lên kế hoạch cho mỗi ngày làm việc của mình vào buổi sáng sớm trước khi bắt đầu công việc hoặc tốt hơn nữa là vào đêm trước đó, để bạn yên tâm có một giấc ngủ ngon.

3. Khi gặp vấn đề nảy sinh, hãy giải quyết ngay nếu thấy có đầy đủ các yếu tố để ra quyết định – Không chần chừ, không trì hoãn.

4. Học cách tổ chức, ủy quyền và giám sát: Để tránh khỏi lo âu, căng thẳng và mệt mỏi, hãy học cách phân công công việc, giao phó trách nhiệm cho những người khác.

Phương pháp thiền định trong 8 phút của Victor Davich: Nhanh chóng bổ sung năng lượng cho người đã thấm mệt thông qua cơ chế “hồi tiếp sinh học”.


Kiểu hành thiền này được tiến hành như sau:

1. Chọn 8 phút thuận tiện trong giờ làm việc, nếu gặp lúc đang căng thẳng càng tốt.
2. Chọn chỗ ngồi yên tĩnh tối đa, thoải mái, thoáng khí. Đặt đồng hồ báo sau 8 phút với âm thanh vừa phải.
3. Ngồi thẳng lưng, chân chạm hẳn sàn nhà như chôn vào lòng đất, đầu hơi ngả ra sau như có ai kéo hổng toàn thân.
4. Nhắm mắt và tập trung tư tưởng hoàn toàn vào nhịp thở theo ba công đoạn liên tục: hít vào thật sâu, nín hơi nhẹ nhàng, thở ra thật chậm.

Khi đã quen với bài tập thì có thể áp dụng nhiều lần trong ngày.
- Hãy cười thật nhiều: Thường ai cũng nghĩ khi vui con người mới cười mà ít ai biết được rằng: Cười càng nhiều, tâm trạng càng vui. Nghe có vẻ vô lý nhưng nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh được điều đó. Nụ cười làm tăng tiết các hoóc-môn tích cực trong đó có serotonin (hoóc môn điều hòa tâm trạng), đồng thời đẩy lùi các hoócmôn tiêu cực. Hãy mỉm cười với mọi người để rút ngắn khoảng cách và tạo bầu không khí thoải mái nơi làm việc.

- Nói chuyện một cách thẳng thắn và tích cực với sếp về các khúc mắc trong công việc của bạn.

Ngọc Khanh (First-Viec-Lam)