Mấy giờ rồi?", câu hỏi này vẫn được xếp vào loại phổ biến nhất trong đời sống loài người và nhu cầu về đồng hồ vẫn đa dạng muôn thuở, nhất là với những chiếc đồng hồ đeo tay từng hiện diện kể từ hơn 150 năm qua.
Hàng "độc" xứ ta
Cái sự "độc" của đồng hồ không hẳn là giá trị vật chất với trọng lượng vàng hay những viên kim cương được đính kèm mà được tính bởi tên tuổi thương hiệu, độ tinh xảo về máy móc và tạo hình, "tuổi thọ" và tính chất hiếm hoi của nó. Cái "độc" trong "vạn độc" ấy đứng đầu về tính phổ biến có lẽ là những chiếc đồng hồ máy cơ (lên dây hoặc automatic) sản xuất tại Thụy Sĩ, có tên tuổi thương hiệu gắn liền với độ bền và tính chính xác. Hàng đầu top ten có Patek Philippe, Vacheron Constantine, Audemars Piguet... giá mỗi cái second hand không dưới 8 ngàn USD, còn giá "đập hộp" thì... vô tận, có thể lên tới 5 triệu USD như cái Kallista của Vancheron được bán ra năm 1978. Với người tiêu dùng xứ ta, Rolex kể ra là hàng xịn, dù Rolex đứng sau mấy thương hiệu đàn anh kia. Cũng phải, bởi sức mua của các “đại gia” cũng tầm tầm mặt bằng kinh tế, khoảng vài ba ngàn USD cho một cái Rolex cũ và cá biệt là hơn chục ngàn đô cho cái Rolex vàng mới cứng. Xếp hạng tiếp theo là Cartier, IWC, toplink, Omega, Longines hay Movado, Tissot... Nay, ngày càng thấy nhiều người thành đạt ở nước ta xem giờ bằng Rolex, Omega, Maurice Lacroix, Rado... mặc dù đã có đồng hồ trong điện thoại di động (ĐTDĐ) hay trong máy tính. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất đồng hồ thế giới, sự phát triển thị trường ĐTDĐ và computer đã "bóp chết" 40% thị phần của đồng hồ rẻ tiền trong 5 năm qua; nhưng với hàng hiệu thì không suy suyển bởi đồng hồ cao cấp, đồng hồ "độc" vẫn còn là một loại trang sức thể hiện vị trí xã hội hoặc tiềm năng kinh tế của người đeo nó.
Tìm hàng "độc" có "tuổi thọ" cao ở VN giờ khó hơn so với những năm 1980 vì lúc ấy, do cuộc sống khó khăn, nhiều người phải đem đồng hồ gia bảo đi bán. Người mua đa phần lại là các tay buôn chuyên nghiệp đến từ Đài Loan, Hồng Kông; họ đem về, tân trang để sau đó bán lại với giá trên trời cho các thương gia châu Á. Nay, trong nước cũng không mấy nhà sưu tập đồng hồ "độc", nhưng ít ai chịu bán ra. Theo lời anh Đồng Tiến, chuyên gia sửa chữa đồng hồ cổ ngụ ở Q.3, TP.HCM, anh vẫn chùi dầu luân phiên cho bộ sưu tập của một ông khách ở Gò Vấp với gần 30 cái Patek Philippe mọi thời đại. Tính sơ, bộ sưu tập này đáng giá không dưới 4 tỉ đồng; ai hỏi mua một cái, ông cười - "xin lỗi, tui đang kiếm thêm cho đủ... số sê-ri". Với ai chịu khó rảo dọc đường Lê Lợi, sục sạo trong khu đồ cổ Lê Công Kiều , chợ Dân Sinh thì cũng chỉ tìm được đủ loại hàng "hiệu" mà bản chất là "made in Chợ Thiếc" với giá vài trăm ngàn đồng. Người bán ít khi nào khai hàng "dỏm", hàng "luộc", chỉ cười cười: "chủ yếu cho Tây ba lô mua làm... lưu niệm". Còn trên thị trường, có thể thấy vô số hàng "nhái" xuất xứ từ Trung Quốc hoặc Singapore, giá trên dưới 200 ngàn đồng một cái đầy vẻ "xịn", đem về chẳng biết chạy bao lâu thì... đứt. Trong bối cảnh ấy, việc "săn" hàng "độc" trên mạng xem ra lại có lý.

Săn “hàng độc” trên mạng

Các mạng ebay.com, yahoo.com trình làng hàng ngàn đồng hồ "độc" các kiểu, kể cả thứ re rẻ vài đô đến vài trăm đô, gốc Thụy Sĩ - sản xuất tại Hoa Kỳ như Elgin, Bulova, Hamilton nhưng độ tin cậy thấp bởi nhiều cái cũ nát, xuất xứ mơ hồ, lại không được bảo hành. Thậm chí, có anh nọ ở Pensylvania bán một cái Longines vuông, hai kim rưỡi, bằng vàng 14K kèm theo lời rao: "Do từ hồi mua đến giờ không đeo, nên không biết nó có chạy hay không!". Cũng có gần trăm website khác chuyên bán đồng hồ xưa, chữ "xưa" này cũng được quy định rạch ròi: antique (đồ cổ) chỉ dành cho những cái trên 100 năm, vintage (đồ cũ) dành cho hàng từ 10 năm đến dưới 100 năm và pre-owned (đồ xài rồi trong dăm bảy năm) là hàng model nhưng đã qua tay người khác. Nếu chọn mua trong nhóm vintage và pre-owned, có lẽ nên chú ý đến hai loại cho... chắc ăn: hàng tồn kho lâu năm còn mới keng (NOS- new old stock) và hàng ít xài, còn hộp và hóa đơn gốc (LNIB- like new in box). Giá đồng hồ xưa, tùy theo hiệu và tình trạng (có 7 cấp độ hao mòn khác nhau) dao động từ trên dưới trăm đô đến hơn trăm ngàn đô.
Nhiều người thích hàng "độc" là đồng hồ máy cơ mà mỏng (dưới 7 mm), lý tưởng nhất là kiếm được cái Audemars sản xuất năm 1946, dày chỉ có 1,64 mm; kẻ khác thì thích loại skeleton (không có mặt, nhìn suốt bên trong máy) hay loại chrono, submariner dành cho giới thể thao, loại army (dành cho quân đội)... Dù thích tìm mua loại gì, hiệu gì đi chăng nữa, cũng cần hết sức cảnh giác với các website tự rao là có nguồn gốc từ Serbia, Uzbekistan, Latvia, Tây Ban Nha, Indonesia, Nigeria...
Dân chơi đồng hồ cảnh báo trên các diễn đàn Internet rằng, đánh đu với mấy website này có lúc sẽ giống như anh Vincent ở Công ty WatchView International (Mỹ), chuyển trả 23.480 USD cho tay tổ Micheal Davidi nào đấy hơn một năm qua mà đồng hồ không thấy tới. Có thể đặt niềm tin vào một số website có uy tín như losttimes.com (hàng "độc", mỗi thứ chỉ có một cái), ittlecogs.com (chuyên trị Omega và Longines), artoftimes.com, feelgoodwatches.com hoặc một số website khác xuất xứ từ Hoa Kỳ, Anh và Úc. Thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin này, việc "săn" trên Internet đã trở nên dễ dàng nếu như bạn chịu khó mở tài khoản Master card hoặc Visa card rồi đăng ký với ngân hàng việc giao dịch mua hàng trên mạng.
Không thiếu những bí quyết chọn đồng hồ xưa, dân chơi đồng hồ thế giới vẫn lưu truyền nhiều "chiêu" chỉnh đồng hồ không cần thợ. Chịu khó một tí, đúng giờ là một thói quen tốt, nhất là kèm theo cái thú xem giờ qua... hàng "độc"!

Toplink.vn
Bài viết khác cùng Box