Vào tháng 8/2013, Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ tổ chức đón Bằng công nhận Dân ca Nghệ Tĩnh là di sản quốc gia và Liên hoan Dân ca ví giặm xứ Nghệ lần thứ II, chuẩn bị cho việc UNESCO công nhận Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vinh dự lớn của nhân dân hai tỉnh và cả nước.


Một số tiết mục biểu diễn tại Liên hoan Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh lần thứ nhất 2012.

Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa kết tinh từ đời sống lao động, sản xuất và chiến đấu hàng nghìn năm qua của nhân dân xứ Nghệ. Có thể ví đây là dòng sông sâu thẳm, mênh mông chứa đựng truyền thống tinh thần, bản sắc văn hóa của cư dân xứ sở miền Trung nắng gió, anh dũng, kiên cường, cần cù, thông minh, sáng tạo và đầy tài hoa.

Nhằm bảo tồn, phát huy di sản dân ca quí giá của cha ông, năm 2012, Nghệ An và Hà Tĩnh phối hợp tổ chức Liên hoan Dân ca ví giặm xứ Nghệ lần thứ I, với sự tham gia của 22 CLB. Liên hoan được truyền hình trực tiếp trên VTV1, thu được thành công vang dội, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Đây là tiền đề để hai tỉnh lập hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận Dân ca Ví Giặm xứ Nghệ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, và lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tháng 12/2012, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quyết định 5079 công nhận Dân ca Ví Giặm xứ Nghệ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hồ sơ trình UNESCO cũng đã cơ bản hoàn tất. Có thể nói đây là sự ghi nhận của Nhà nước đối với giá trị của di sản văn hoá quê hương, ghi nhận sự nỗ lực bảo tồn, phát huy di sản dân ca trong nhiều chục năm qua của nhiều thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân và toàn thể cộng đồng, và là niềm vinh dự tự hào chung của nhân dân hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh. Việc hồ sơ di sản dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh đã được trình lên UNESCO xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ là sự kiện trọng đại không chỉ đối với văn hoá xứ Nghệ, mà còn của cả nước.

Vào đầu tháng 8/2013, Liên hoan Dân ca ví giặm xứ Nghệ lần thứ II sẽ được tổ chức tại Hà Tĩnh, với sự tham gia của 12 CLB đến từ Nghệ An và 4 CLB của Hà Tĩnh.

Có thể ví dân ca xứ Nghệ là dòng sông sâu thẳm, mênh mông chứa đựng truyền thống tinh thần, bản sắc văn hóa của cư dân xứ sở miền Trung nắng gió, anh dũng, kiên cường, cần cù, thông minh, sáng tạo và đầy tài hoa.

Liên hoan là dịp để các CLB dân ca gặp gỡ, giao lưu; đồng thời là dịp vinh danh các CLB, các nghệ nhân xuất sắc qua phong trào; tạo động lực nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào sinh hoạt dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh từ cơ sở. Cũng qua Liên hoan nhằm tìm ra các nhân tố mới (các nghệ nhân, các yếu tố nguyên gốc, môi trường, không gian và hình thức diễn xướng mới, trang phục, đạo cụ…), từ đó tái tạo được nhiều không gian, môi trường diễn xướng dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh ở nhiều nơi, tạo thành các mô hình sinh hoạt dân ca gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Đến nay nhiều huyện, thành, thị của Nghệ An và Hà Tĩnh đã triển khai tổ chức Liên hoan dân ca ví giặm tại địa phương và đang chuẩn bị tốt để tham gia Liên hoan cấp tỉnh.
NS ƯT Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nghệ An cho biết: “Liên hoan dân ca ví giặm năm nay có đặt ra yêu cầu về chất lượng chương trình cao hơn, ưu tiên cho các yếu tố nguyên gốc, còn lại là các tác phẩm đặt lời mới với nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người; ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ưu tiên các tác phẩm nói lên bản sắc văn hóa từng vùng quê…Nét mới của Liên hoan năm nay là việc tôn vinh các CLB, các nghệ nhân dân ca được quan tâm hơn (năm nay Hội Văn Nghệ dân gian sẽ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân ca nhiều hơn)”.

Ngoài việc tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận di sản văn hóa quốc gia và Liên hoan chung cả 2 tỉnh còn tổ chức biểu diễn giao lưu dân ca giữa các CLB, các đội văn nghệ theo từng khu vực (Nghệ An tổ chức ở Hưng Nguyên và Nghi Lộc, Hà Tĩnh tổ chức ở Cẩm Xuyên, Can Lộc và TX Hồng Lĩnh).

Dân ca Nghệ Tĩnh đã được hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh dày công bảo tồn, phát triển và tuyên truyền từ nhiều chục năm qua với nhiều hoạt động như sưu tầm, tập hợp các yếu tố gốc, đưa dân ca vào trường học, sân khấu hóa dân ca, lập các CLB dân ca, dạy hát dân ca trên sóng phát thanh truyền hình…

Với hai sự kiện đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Liên hoan Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh lần II, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã nỗ lực để chắp cánh cho những câu dân ca mãi trường tồn cùng cuộc sống hôm nay và mai sau.

Theo Trần Quang Đại- Báo Tầm nhìn
Bài viết khác cùng Box