Xin gửi bạn đọc một bài viết ngắn theo mảng tin tức trong mục tùy bút của tạp chí.

Đến nay, chúng tôi vẫn chưa hết bần thần khi nhớ lại cuộc gặp gỡ với cụ bà xác ướp xóm Cải ngụ ở Bảo tàng lịch sử Việt Nam (tp Hồ Chí Minh). Trái với hình hài thể xác đang được trưng bày, linh hồn cụ vẫn khỏe và rất minh mẫn.



ảnh sưu tầm


Hôm đó, chúng tôi thấy cụ ngồi một mình trong phòng, vẻ mặt hơi buồn. Chúng tôi đến chào hỏi, cụ cố cười nhưng có lẽ không hiểu những gì chúng tôi nói. Sợ cụ lãng tai nghe không rõ, chúng tôi cố nói lớn hơn nhưng cụ vẫn lắc đầu tỏ vẻ không hiểu.

Chưa kịp rõ có chuyện gì thì chúng tôi lại ngẩn người khi nghe cụ tuôn một tràng tiếng Anh. Gượng lắm, chúng tôi mới hiểu đại khái những gì cụ nói. Ý của cụ là chúng tôi đến có việc gì không? Từ nước nào? Cụ không biết ngôn ngữ chúng tôi nói…nhưng nghe rất quen.

Chúng tôi đã hết sức bối rối khi nghe cụ nói tiếng Anh và càng bối rối hơn nữa khi lờ mờ hiểu những gì cụ nói. Chẳng lẽ bấy lâu này người ta nhầm, cụ không phải người Việt? Không, không đời nào, cái lối ăn mặc của cụ đích thị chỉ có ở Việt Nam mình.

Không còn cách nào khác, chúng tôi đành giao tiếp với cụ bằng tiếng Anh. Ra là cụ vẫn nhớ mình là người Việt. Cụ tưởng mình đang ở bảo tàng nào đó ở Anh hoặc ở Mỹ. Cụ khoe cụ biết cả tiếng Pháp, một ít tiếng Hàn, một ít tiếng Nhật nữa nhưng tiếng Việt thì gần như cụ quên mất tiêu rồi.



ảnh sưu tầm minh họa


Cụ nói trong nghẹn ngào, đó giờ cụ cứ tưởng mình ở nơi đất khách quê người, hóa ra vẫn đang ở Viêt Nam. Cụ thèm nghe tiếng Việt, thèm nhìn người Việt biết nhường nào nhưng nhiều năm rồi chỉ quanh quẩn trong phòng, cụ dần quên đi. Cụ chỉ gặp toàn người Tây, người Tàu…Cụ trách lũ trẻ chúng tôi sao không chăm đi bảo tàng, để cụ tưởng nhầm rồi bị mất gốc.

Đưa tay lau nước mắt, cụ bắt đầu nhìn kĩ mặt từng đứa chúng tôi. Nỗi hạnh phúc lan tỏa dần trên gương mặt cụ rồi lan sang cả chúng tôi. Chúng tôi và cụ đã trò chuyện rất lâu, nói nhiều về cuộc sống, những đổi thay của đất nước. Đủ lâu để khơi gợi cái gốc Việt trong con người cụ, đủ lâu để chúng tôi hiểu nỗi hiu quạnh mà cụ đang chịu đựng. Đủ lâu để chúng tôi rưng rưng nước mắt khi chào cụ ra về và nghe cụ nói bằng giọng lơ lớ “ kác kon kũng rớn mẹn khỏe, nhơ đớn thâm cu!”


Chúng tôi đã tự hứa với lòng mình sẽ quay lại bảo tàng thường xuyên hơn.

Ma đói( sinh viên nghèo)

Theo báo Cõi âm

Nguồn Tạp chí Én mỏng